Tài nguyên

Chuyển đổi số lĩnh vực đất đai tại Bình Định: Tăng tốc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Thanh Tùng 04/04/2024 - 09:04

(TN&MT) - Từ năm 2009, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Đến nay, đã lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 75 xã, thị trấn thuộc 5 huyện. Hiện ngành TN&MT Bình Định đang tăng tốc hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ), phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Từng bước số hóa dữ liệu

Hiện nay, Sở TN&MT có 105 thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết trên môi trường điện tử, trong đó đang cung cấp 34 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 70 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Sở cũng đang thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến đối với 13 TTHC thuộc chức năng quản lý của Sở. Số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; 100% hồ sơ công việc tại được Sở xử lý trên môi trường mạng.

img_0892.jpg
Sở TN&MT Bình Định đang đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Ảnh: Thanh Tùng

Riêng lĩnh vực đất đai, Sở đang triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin quản lý đất đai, đã hoàn thành thử nghiệm trên địa bàn 9 địa phương, gồm: Tuy Phước, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, TX. Hoài Nhơn, TX. An Nhơn và TP. Quy Nhơn, Hoài Ân. Sở cũng đang tiếp tục thử nghiệm ở 2 huyện: Vân Canh và Vĩnh Thạnh nhằm liên thông thuế điện tử giữa Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện với Cục Thuế tỉnh, chi cục thuế khu vực qua ứng dụng quản lý trước bạ nhà đất và liên thông với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Ngành TN&MT Bình Định đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng CSDLĐĐ thuộc 60 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát và An Lão; Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và tích hợp cơ sở dữ liệu cấp tỉnh tại 5 huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, An Lão và Tây Sơn.

Về nội dung xây dựng CSDLĐĐ, từ năm 2009, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Đến nay, đã lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 75 xã, thị trấn thuộc 5 huyện là: Phù Mỹ (19 xã, thị trấn), Tuy Phước (13 xã, thị trấn); An Lão (10 xã, thị trấn), Phù Cát (18 xã, thị trấn); Huyện Tây Sơn (15 xã, thị trấn).

Trong công tác vận hành, tích hợp cơ sở dữ liệu, Sở TN&MT cho biết, CSDLĐĐ đã thực hiện tích hợp, đồng bộ dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian của 5 huyện/75 xã, được vận hành trên phần mềm ViLIS2.0. Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phối hợp với VNPT Bình Định triển khai Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT-iLIS kết nối, tích hợp với Ứng dụng quản lý trước bạ nhà đất của Cơ quan thuế (liên thông thuế điện tử) và kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Kể từ ngày 15/6/2023, đã chuyển đổi hệ thống và vận hành CSDLĐĐ từ phần mềm ViLIS2.0 sang hệ thống phần mềm VNPT-iLIS. Đến nay, cơ sở dữ liệu tỉnh Bình Định đã tích hợp 75/159 xã, phường, thị trấn, được quản lý và vận hành sử dụng trên phần mềm VNPT-iLIS.

Đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, Sở TN&MT Bình Định cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành (đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo) thuộc phạm vi quản lý. Phấn đấu 100% dữ liệu lĩnh vực tài nguyên và môi trường được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp ở hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư; 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần…

Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, lãnh đạo Sở TN&MT đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Quản lý đất đai nhanh chóng cập nhật phần mềm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được phê duyệt. Cập nhật dữ liệu đất đai (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) vào Cổng dữ liệu mở tỉnh (opendata.binhdinh.gov.vn) qua Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Cập nhật thông tin giải quyết TTHC vào Hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; theo dõi và xử lý trách nhiệm đối với công chức giải quyết TTHC trễ hẹn.

Văn phòng Đăng ký đất đai tiến hành thuê hoặc mua dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai sử dụng Hệ thống thông tin quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 554/UBND-KSTT ngày 22/01/2024. Kết nối chia sẻ dữ liệu đất đai với Cục Thuế tỉnh và Cơ sở dữ liệu dân cư. Đặc biệt, chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi đến nộp hồ sơ để giải quyết TTHC thực hiện đăng ký tài khoản VNeID mức độ 2 hoặc hướng dẫn liên kết 2 tài khoản “Cổng Dịch vụ công quốc gia” và tài khoản “VNeID mức độ 2”, đảm bảo đạt 100% trước ngày 1/7/2024.

Sở TN&MT cũng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản lên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản (dgts.moj.gov.vn) theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Công văn số 218/STP-HC&BTTP ngày 26/3/2020. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện công khai việc cung cấp thông tin phát triển quỹ đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân trên Trang thông tin điện tử Sở TN&MT theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số lĩnh vực đất đai tại Bình Định: Tăng tốc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO