TP. Cần Thơ: Linh hoạt ứng phó BĐKH hướng tới giảm nghèo bền vững
(TN&MT)- TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao năng lực ứng phó BĐKH
TP. Cần Thơ đang phải đối mặt với những tác động bất lợi từ BĐKH, thể hiện rõ nét qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường, triều cường, sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, trong thời gian qua TP. Cần Thơ đã tích hợp BĐKH vào quy hoạch ngành, lĩnh vực phát triển; đồng thời huy động các nguồn lực triển khai các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải thiện diện mạo đô thị, thích ứng với BĐKH.
Nổi bật nhất là dự án xây dựng kè hai bên sông Cần Thơ, rạch Tham Tướng, rạch Cái Sơn Hàng Bàng, sông Bình Thủy; dự án cải tạo, mở rộng không gian mặt nước hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi; xây dựng hệ thống cống, âu thuyền chống ngập cho khu vực nội thị thành phố. Vừa qua, TP. Cần Thơ đã đưa vào vận hành âu thuyền chống ngập Cái Khế, đây là một trong những công trình thuộc dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trước các hiện tượng cực đoan của BĐKH.
Theo đánh giá của ngành chức năng TP. Cần Thơ, việc đưa công trình âu thuyền chống ngập Cái Khế vào vận hành kết hợp với hệ thống cống ngăn triều hiện có tại khu vực rạch Cái Sơn, rạch Mương Khai, rạch Đầu Sấu, rạch Hàng Bàng và tuyến bờ kè kiên cố với tổng chiều dài 5,1 km dọc hai bên sông Cần Thơ sẽ góp phần quan trọng giúp TP. Cần Thơ nâng cao năng lực ứng phó với lũ, triều cường, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng tập trung đầu tư hoàn thiện mạng lưới thủy lợi, hệ thống đê bao khép kín để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái trước tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, góp phần giúp người dân yên tâm trồng trọt, sản xuất. Chia sẻ với Phóng viên, ông Nguyễn Qúi Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết: “Trong thời gian qua TP. Cần Thơ đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đê bao Ô Môn - Xà No; tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn tái xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền,... qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an toàn, bền vững cho diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân ở các quận, huyện thành phố trước tác động ngày càng gia tăng của BĐKH.
Thay đổi sản xuất để cải thiện đời sống
Ngoài sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc đầu tư các công trình, dự án để ứng phó với BĐKH thì mỗi người dân TP. Cần Thơ cũng đã linh hoạt chuyển đổi các mô hình sản xuất cho phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước; đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Trước đây, việc trồng trọt của gia đình ông Đỗ Văn Sinh, ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền luôn gặp khó khăn do chưa có tuyến đê bao kiên cố bảo vệ cây trồng nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay nhờ có tuyến đê bao khép kín thành phố đầu tư đã giúp cho hơn 9 công trồng sầu riêng của gia đình ông phát triển xanh tốt và cho năng xuất cao. Ông Sinh chia sẻ: “Hiện nay mỗi năm trừ đi tất cả các chi phí, 9 công trồng sầu giêng của tôi cũng cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Với số tiền này đã giúp tôi có điều kiện đầu tư tạo màu mỡ cho đất, sửa sang lại nhà cửa đàng hoàn".
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐĐKH nguồn nước mặt trên các sông, rạch ngày càng suy kiệt đã ảnh hưởng đến quá trình canh tác nông nghiệp của người dân ở các xã Nhơn Nghĩa, Giai Xuân, Trường Long, huyện Phong Điền. Để thích ứng với điều kiện thời tiết, nguồn nước, đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Tường, ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa cho rằng, do thời tiết, nguồn nước thay đổi thất thường, nên việc canh tác lúa trước đây của gia đình ông luôn gặp khó khăn, nhiều loại sâu bệnh phát sinh ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng lúa gạo. "Hơn 2 năm nay tôi lên líp chuyển toàn bộ 6 công đất lúa sang trồng cà phổi, dưa leo, bầu, bí, ... với mô hình canh tác này đã giúp cho cuộc sống gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn trước"- ông Tường vui vẻ cho biết.
Còn ông Trần Văn Tâm, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa đã chuyển đổi 2 công đất trồng lúa sang trồng bắp. Theo ông Tâm, việc trồng bắp ít sử dụng nước, công sức, chi phí bỏ ra chăn sóc cũng không nhiều như trồng lúa mà lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Với thu nhập từ 2 công bắp cũng đã góp phần giúp cho cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả hơn trước.
Thông tin với Phóng viên, ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cho biết: "Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết diện tích đất sản xuất lúa của người dân trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài và các loại cây màu ngắn ngày khác. Hình thức chuyển đổi này không chỉ khai thác hiệu quả đất đai mà còn giúp cho nhiều hộ dân nâng cao thu nhập thoát nghèo bền vững".
Theo ông Huỳnh Thanh Hiếu, hiện nay các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện, xã đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn vừa góp phần ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.