Môi trường

TP. Cần Thơ: Đẩy mạnh phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Lê Hùng (thực hiện) 30/07/2024 - 16:05

(TN&MT) - TP. Cần Thơ đã và đang tập trung tuyên truyền nhằm giúp các cấp, các ngành, người dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân cách thức phân loại CTRSH phát sinh hàng ngày theo quy định hiện hành.

Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nam Huân (ảnh) - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ.

ong-pham-nam-huan-pho-giam-doc-so-tn-mt-tp.-can-tho.jpg
Ông Phạm Nam Huân - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ.

PV: Công tác triển khai phân loại CTRSH tại nguồn cho hộ gia đình, cá nhân được thực hiện như thế nào trên địa bàn thành phố, thưa ông?

Ông Phạm Nam Huân:

Thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ TN&MT và của UBND TP. Cần Thơ về việc tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn, Sở TN&MT đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, xây dựng quy định về quản lý CTRSH; quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển CTRSH trên địa bàn thành phố... trình cấp có thẩm quyền thành phố ban hành đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của công tác phân loại CTRSH tại nguồn, Sở TN&MT cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương... tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn triển khai phổ biến những quy định mới về quản lý CTRSH, cách thức phân loại CTRSH phát sinh để cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và người dân trên địa bàn thành phố nắm bắt và triển khai thực hiện.

tp.-can-tho-dang-day-manh-cac-hoat-dong-bao-ve-moi-truong-trong-do-tap-trung-pho-bien-huong-dan-ho-gia-dinh-ca-nhan-ve-phan-loai-rac-sinh-hoat-tai-nguon.jpg
TP. Cần Thơ đang đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung phổ biến, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Nhìn chung, thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng rất cao trên địa bàn thành phố; các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể, quận, huyện tổ chức các hoạt động thiết thực phân loại CTRSH phát sinh ngay tại trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa. Lồng ghép phổ biến quy định về phân loại CTRSH vào các hoạt động hưởng sự kiện như: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; xây dựng lực lượng tuyên truyền về phân loại CTRSH.

Hộ gia đình, cá nhân cũng ngày càng có ý thức hơn trong việc phân loại CTRSH phát sinh thành các nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng; chất thải hữu cơ và các nhóm chất thải khác; đồng thời, thường xuyên tham gia vào các hoạt động tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTRSH, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

PV: Ông có thể chia sẻ một số khó khăn trong việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020?

Ông Phạm Nam Huân:

Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH cũng như việc xây dựng các văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền của địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng quá trình triển khai thực tế tại địa phương cũng gặp một số khó khăn liên quan đến mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; một bộ phận người dân chưa quen với việc phân loại rác thành các nhóm chất thải có khả năng tái chế tái sử dụng, chất thải hữu cơ và các nhóm chất thải khác; hạ tầng phục vụ cho việc phân loại rác chưa đồng bộ về vị trí thùng chứa rác đã phân loại; phương tiện xe chuyên chở cho từng loại rác còn thiếu; khung thời gian và tần suất thu gom rác thải trong ngày; khả năng tiếp nhận xử lý CTRSH của địa phương sau khi đã được phân loại...

PV: Để triển khai hiệu quả việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn, TP. Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phạm Nam Huân:

Thời gian tới, để khắc phục các khó khăn vướng mắc trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH hàng ngày, từng bước triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên địa bàn thành phố; Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm giúp người dân nắm bắt đầy đủ các quy định và thực hiện phân loại CTRSH; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn để trình UBND TP. Cần Thơ ban hành theo đúng quy định.

Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT cũng sẽ kiến nghị UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện hoàn thiện cơ sở hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác theo quy hoạch phân khu chức năng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông tin về khung thời gian cũng như tần suất thu gom rác thải trong ngày để người dân biết phối hợp thực hiện; tiếp tục triển khai thực hiện công tác phân loại CTRSH phát sinh tại hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, các quận, huyện tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng kêu gọi đầu tư xây dựng thêm nhà máy đáp ứng nhu cầu xử lý CTRSH góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Cần Thơ ngày càng bền vững trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Cần Thơ: Đẩy mạnh phân loại rác sinh hoạt tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO