Biến đổi khí hậu

Thiệt hại do thiên tai năm 2024 gấp hơn 9 lần so với năm 2023

Trung Nguyên 22/11/2024 - 18:00

(TN&MT) - Thống kê từ đầu năm đến giữa tháng 11/2024, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai ước tính trên 84.900 tỷ đồng. Nếu so với năm 2023, mức thiệt hại cao gấp hơn 9 lần.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 22/11, tại tỉnh Hòa Bình. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đã chủ trì Hội nghị.

141a3834.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ về về thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Dù chưa hết năm 2024 song từ đầu năm đến nay, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Đặc biệt, bão số 3 (bão Yagi, từ 3 - 8/9/2024) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Bão có nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rất rộng; hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở Bắc Bộ, là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

141a3693.jpg
Hơn 460 đại biểu tham dự Hội nghị đến từ các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và 21 tác tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan

“Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết và mất tích, gây thiệt hại rất lớn về nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực, thông tin liên lạc, giao thông, y tế, giáo dục; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.700 tỷ đồng” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết. Nêu so với tổng thiệt hại do thiên tai năm 2024 là 84.900 tỷ đồng thì riêng bão Yagi đã chiếm tới 96%.

Đối với hệ thống đê điều, cơ quan chức năng và địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời hơn 800 sự cố đê điều, giữ vững an toàn cho hệ thống đê, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, đợt mưa lũ vừa qua cũng bộc lộ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác hộ đê, xử lý sự cố.

Tại Hội nghị, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai đã chỉ ra, một trong những hạn chế rõ nhất là công tác xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm còn hạn chế, chưa sát với thực tế. Đánh giá hiện trạng trước lũ 2024 của 16 tỉnh/thành phố thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa xác định trên các tuyến đê từ Cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 270 trọng điểm xung yếu. Tuy nhiên, qua rà soát, đối chiếu với thực tế các sự cố đê điều đã xảy ra cho thấy, chỉ có 35/270 vị trí đã xác định là trọng điểm xảy ra sự cố.

Mặt khác, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân và chính quyền các cấp còn chủ quan sau nhiều nằm không xuất hiện lũ lớn, xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều, dẫn đến để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về đê điều, gây mất an toàn đê điều; đặc biệt là vi phạm lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở dòng chảy, làm gia tang mực nước lũ, uy hiếp an toàn đê.

Các địa phương cũng làm rõ những khó khăn trong công tác tuần tra canh gác ở một số địa phương; hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sự cố, hộ đê của lực lượng tham gia ứng phó; công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; tình trạng vi phạm lấn chiếm bãi sông làm giảm khả năng thoát lũ của sông xảy ra ở nhiều địa phương…

Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Tập trung huy động các nguồn lực để sớm sửa chữa, khắc phục các sự cố, hư hỏng của đê điều do đợt lũ vừa qua, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ năm 2025.

141a3770.jpg

Về tình hình thời tiết từ nay đến sang đầu năm 2025, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Các đợt mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2024. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng cuối tháng 11 tại Tây Nguyên và Nam Bộ và cuối tháng 12/2024 tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Từ tháng 12/2024 sang tháng 5/2025 còn khoảng 2 – 3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta, khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt hại do thiên tai năm 2024 gấp hơn 9 lần so với năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO