Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản để phát triển bền vững

Thu Thủy| 05/12/2022 09:52

Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh Thanh Hóa đang có những phương án sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về VLXD, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ giảm nghèo bền vững.

Khai thác sử dụng khoáng sản hiệu quả

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đất làm vật liệu san lấp, đất đắp đê, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch nung tuynel có 230 mỏ, diện tích khoảng 2.389 ha, trữ lượng khoảng 210 triệu m3. Đá làm VLXD thông thường có 190 mỏ, khu mỏ, với tổng diện tích 3.999 ha, trữ lượng khoảng 593 triệu m3. Mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân cấp cho tỉnh quản lý có 13 mỏ, với tổng diện tích 146 ha, trữ lượng khoảng 649.351 tấn. Cát làm VLXD có 124 mỏ, điểm mỏ, với tổng diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3.

a1.jpg
Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản

Trên cơ sở các quy hoạch, đề án phát triển VLXD được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Xây dựng, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đã kêu gọi đầu tư dự án khai thác khoáng sản làm VLXD. Đến nay, có khoảng 600 dự án sản xuất VLXD đã đầu tư, như: Xi măng 4 dự án, công suất thiết kế 19,56 triệu tấn/năm, hiện sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu; đá ốp lát tự nhiên có 131 dự án, công suất thiết kế 25 triệu m2/năm, hiện sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu; khai thác cát xây dựng tự nhiên 40 dự án, công suất thiết kế 0,844 triệu m3/năm, thiếu khoảng 1 triệu m3/năm; khai thác đất san lấp 40 dự án, công suất thiết kế 2,88 triệu m3/năm, thiếu cho việc thi công đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Thanh Hóa và các công trình đang triển khai thi công khác trên địa bàn tỉnh.

Để sử dụng tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép các đơn vị khai thác đá được tận thu khoáng sản đất xen kẹp, đất đá xô bồ tại các mỏ đá đã được cấp phép để làm vật liệu san lấp công trình (nếu bảo đảm điều kiện). Khuyến khích, hướng dẫn các mỏ đá đã được cấp phép làm VLXD thông thường lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền từ đá, nhất là sản xuất cát xây trát) để tăng nguồn cát cho công trình xây dựng, giảm thiểu việc sử dụng cát tự nhiên cho công trình xây dựng.

a2.jpg
Khai thác, sử dụng hiệu quả TNKS là vấn đề cấp thiết

Nhìn chung, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh, nhất là nhóm khoáng sản làm VLXD, san lấp mặt bằng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp có khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, giúp giảm nghèo bền vững tại một số huyện miền núi.

Làm tốt công tác quản lý

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thì để tăng cường công tác quản lý TNKS, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như xử lý quyết liệt các vi phạm trong hoạt động khai thác TNKS. Đặc biệt, thời điểm vào những tháng cuối năm 2022, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra một cách mạnh mẽ. Cùng với việc triển khai nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, huyện, nhu cầu về vật liệu (đất, đá, cát) tăng cao; nhiều loại vật liệu tăng giá “phi mã”. Từ đó, dẫn đến tình trạng một số đơn vị khai thác, chế biến TNKS cố tình vi phạm, sẵn sàng trục lợi.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, có thể thấy các hành vi vi phạm trong khai thác, chế biến TNKS trên địa bàn chủ yếu như: khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu cho phép; khai thác vượt quá công suất; khai thác vượt ra ngoài diện tích, ranh giới; không thực hiện thống kê, kiểm kê, báo cáo sản lượng khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản...

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xử lý nghiêm nhiều đơn vị vi phạm, trong đó có Quyết định số 2982/QĐ-XPHC ngày 5/9/2022 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hồng Phượng vì đã vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản. Buộc đơn vị này phải cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi đã khai thác về trạng thái an toàn. Tiếp đó, ngày 11/10/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 3423/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hoàng Tuấn do khai thác khoáng sản vượt công suất được phép, …

Bên cạnh đó, công tác thu thuế được thực hiện trên cơ sở tài nguyên và giá trị tài nguyên của mỗi mỏ cụ thể để buộc doanh nghiệp tự chủ, tự cân đối thu tối đa nguồn tài nguyên nhằm tăng nguồn thu ngân sách địa phương và phát triển bền vững.

a3.jpg
Sử dụng khoáng sản hiệu quả giúp tăng thu ngân sách nhà nước

Nhằm tăng thu ngân sách cho Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Từ đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ hoạt động đấu giá đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu NSNN đối với lĩnh vực khai khoáng. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được cụ thể hóa tại Luật Khoáng sản và các Nghị định.

Nhờ làm tốt công tác quản lý, các nguồn thu ngân sách từ khai thác TNKS được đảm bảo chặt chẽ, không thất thoát. Theo lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa: Các nguồn thu ngân sách trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tập trung vào một số nguồn như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương của các đơn vị được phép khai thác khoáng sản. Việc cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn góp phần làm tăng thu ngân sách cấp huyện và các xã nơi có mỏ, đảm bảo được nguồn thu thường xuyên để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của địa phương; tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động, tăng thu để giúp người dân giảm nghèo.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép khai thác cho 40 mỏ/153 mỏ đã quy hoạch (trữ lượng cấp phép khai thác 29,8 triệu m3, công suất khai thác 2,88 triệu m3/năm/158 triệu m3 đã quy hoạch). Riêng đối với giai đoạn năm 2021-2022 tỉnh đã bổ sung quy hoạch 75 mỏ đất, với trữ lượng 54,11 triệu m3. Tuy nhiên, hiện việc cấp phép khai thác còn chậm, gặp nhiều vướng mắc do các quy định của pháp luật, vì vậy trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất để bổ sung nguồn cung, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO