Biển đảo

Cộng đồng phật giáo giữ rừng ngập mặn cù lao Lợi QuanBài 1: Thực trạng và bối cảnh ra đời của dự án

Nguyễn Quốc Đạt 22/11/2024 - 18:01

(TN&MT) - Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc chắn sóng, hạn chế xói lở, giữ đất, điều hòa không khí, đồng thời là sinh cảnh của một số loài, là mảnh đất sinh kế của người dân ven biển.

Ở cù lao Lợi Quan, rừng ngập mặn đã được chính quyền, người dân, đặc biệt là cộng đồng tôn giáo nơi đây bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy tốt các giá trị của rừng.

Những thực tiễn đó được phản ánh trong dự án “Cộng đồng phật giáo tham gia bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn ven biển cù lao Lợi Quan, tỉnh Tiền Giang” mà người viết bài này là chủ dự án.

z6056915803115_9006251cc7cd16f231499d194e0a93a5.jpg
Rừng ngập mặn ở cù lao Lợi Quan

Cù lao Lợi Quan là một cụm cù lao và cồn nằm trên sông Mỹ Tho thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Nằm giữa ba con sông cửa Tiểu, cửa Trung, cửa Ðại tiếp giáp với Biển Ðông, những lá chắn xanh là rừng ngập mặn giữ vai trò cực kỳ quan trọng với người dân nơi đây nhưng rừng ngập mặn lại bị tàn phá bởi chính con người. Phát huy vai trò giữ rừng của cồng động Phật giáo nơi đây chính là “nguồn cơn” để dự án Cộng đồng phật giáo tham gia bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn ven biển cù lao Lợi Quan, tỉnh Tiền Giang” của tôi hình thành.

Nghị định 09/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ thành lập huyện Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở điều chỉnh 8.632,88 ha diện tích tự nhiên và 33.296 nhân khẩu của huyện Gò Công Tây (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh); 11.575,43 ha diện tích tự nhiên và 9.630 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phú Đông và xã Phú Tân).

Quyết định số 2904/QĐ-UB ngày 19/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Tân Phú Đông đến năm 2020 có một số nội dung: Bố trí đồng bộ các công trình kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng trong bối cảnh địa bàn huyện Tân Phú Đông là đầu cầu của tuyến giao lưu đường thủy trên sông Cửa Tiểu, sông Tiền Giang có khả năng phát triển giao lưu kinh tế trong và ngoài tỉnh, là một trong những khu vực có khả năng mở rộng diện tích tỉnh theo hướng bồi lắng bờ biển và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn - bãi triều ven biển; đồng thời cũng là khu vực chịu nhiều tác động của vùng ven bờ như lốc xoáy, bão, các tác động biển dâng và thay đổi khí hậu trong tương lai; Diện tích nuôi thuỷ sản ổn định khoảng 4.800 ha, trong đó có 4.200 ha nuôi vùng mặn lợ và 600 ha nuôi vùng ngọt hóa; sản lượng nuôi trồng đạt 15.650 tấn. Ngoài ra, dự kiến phát triển khu vực nghĩ dưỡng và khai thác giống nghêu trên bãi triều các cồn mới nổi (quy mô 500-1.000 ha); Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ, diện tích đến năm 2020 khoảng 3.300 ha.

“Hiện nay, nhân loại đang sống trong một thời đại của nhiều cuộc khủng hoảng to lớn, đương đầu với những thách thức trầm trọng nhất mà chúng ta chưa bao giờ phải đối diện: đó là hậu quả sinh thái do chính con người gây ra – biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng dẫn đến rất nhiều hệ lụy đe dọa cuộc sống của loài người. Thiên tai xảy ra với một tần suất cao chưa từng có trong nhiều thế kỷ lại đây. Trong bối cảnh đó, vai trò của các hệ sinh thái tự nhiên (trong đó có rừng ngập mặn) trong việc bảo vệ con người trước các tác động của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết” (Tuyên ngôn của Phật giáo về Biến đổi khí hậu, 2009).

5.jpg
Người dân tham gia trồng rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn ven biển cù lao Lợi Quan, tỉnh Tiền Giang chủ yếu phân bố tại hai xã Phú Đông và xã Phú Tân thuộc huyện đảo Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Trong những năm cuối thế kỷ XX, khi trào lưu nuôi tôm bùng phát tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều diện tích rừng ngập mặn đã bị phá dẫn đến xói mòn bờ biển và càng làm các diện tích rừng ngập mặn còn lại bị xâm thực và đe dọa nhiều hơn. Tuy nhiên, dưới áp lực của phát triển kinh tế, việc phá rừng ngập mặn vẫn tiếp diễn. Do vậy, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng ngập mặn ven biển để khôi phục, bảo tồn, phát triển rừng là việc làm cấp bách và mang tính lâu dài.

Đa phần người dân ở vùng đất mới này theo phật giáo. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm xếp đất đai, cỏ cây, sỏi đá, vàng bạc thành một loại chúng sinh, được gọi là Vô tưởng yết Nam, Kinh này còn cho rằng đệ tử Phật không nên dùng tay nhổ hoặc giẫm đạp lên cỏ cây. Hưởng ứng lời kêu gọi trong Tuyên ngôn của Phật giáo về Biến đổi khí hậu (2009) do đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì, bằng uy tín và việc làm thiết thực, giáo hội phật giáo huyện Tân Phú Đông, đầu mối là chùa Phú Thới tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn với sự tham gia của người dân từ nhiều giới, thành phần, độ tuổi để góp phần nâng khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu tại địa phương và làm mô hình để nhân rộng ra các cộng đồng Phật giáo ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Xuất phát từ thực tế hầu hết cư dân địa phương đều theo phật giáo, dự án dựa vào cộng đồng phật giáo để thực hiện những mục tiêu của dự án, ngược lại các mục tiêu của dự án phục vụ lại cho cộng đồng mang tính thiết thực, bền vững; Phật giáo chung tay cùng cộng đồng vì môi trường.

Mục tiêu chính của dự án nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về môi trường sinh thái; Tăng cường nhận thức, tính trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng đối với rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển; Rừng được trồng mới và được chăm sóc, phát triển bởi cư dân địa phương; Lồng ghép, giải quyết việc mưu sinh của nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em nghèo, người nhiễm HIV/AIDS dựa vào sự phát triển bền vững của rừng ngập mặn ven biển; Mô hình kiểu mẫu cho các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Quốc Đạt
xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Bài 2: Giải pháp và những kết quả đạt được của dự án

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng phật giáo giữ rừng ngập mặn cù lao Lợi Quan Bài 1: Thực trạng và bối cảnh ra đời của dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO