Quyết sách lớn kiến tạo tương lai xanh

TỐNG MINH| 28/04/2020 16:31

(TN&MT) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kỳ vọng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ giải quyết được những bất cập về môi trường hiện nay, đưa ra được những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Từ những bài học đắt giá về phát triển thiếu bền vững

Chất lượng môi trường của nhiều khu vực đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Đây là hệ quả của một thời kỳ phát triển mà môi trường “đi sau”.

Thẳng thắn nhìn vào hiện trạng môi trường, có thể thấy, ô nhiễm nước mặt tại các lưu vực sông, nhất là sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải, sông Vu Gia -Thu Bồn, sông Sài Gòn - Đồng Nai là nỗi nhức nhối của nghìn người dân sống phụ thuộc vào con nước. Vậy nhưng, sông ngày ngày vẫn bị bức tử bởi nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả thẳng ra môi trường. Với 878 khu đô thị, 280 khu công nghiệp, 683 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.400 làng nghề, hơn 13.000 cơ sở y tế… đang hoạt động, phát sinh hơn 9.000.000m3 nước thải sinh hoạt (tỷ lệ thu gom chỉ khoảng 12%), 650.000m3 nước thải công nghiệp, 125.000m3 nước thải y tế, khiến nguồn nước ở một số địa phương đã hết khả năng tiếp nhận nước thải. Nhiều dòng sông đã không còn khả năng tự làm sạch, trở thành nơi chứa nước thải một cách “bất đắc dĩ”.

Trong khi đó, môi trường không khí chỉ sắc “vàng, xanh” là niềm mong mỏi của không ít cư dân đô thị, bởi ám ảnh với sắc “đỏ, tím” vào mỗi bình minh báo hiệu chất lượng không khí ở mức xấu, nguy hại đến sức khỏe con người. Cùng với đó, người dân vẫn chật vật khi sống chung với tình trạng ô nhiễm từ các bãi chôn lấp chất thải. “Rác là tài nguyên”, lượng “tài nguyên này” tăng 10% mỗi năm nhưng hình thức xử lý vẫn là chôn lấp. Ô nhiễm đất, nước là điều không tránh khỏi!

Một số sự cố môi trường nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đã xảy ra như sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, sự cố cháy nổ ở Công ty Cổ phần Phích nước Rạng Đông, sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do đổ bùn thải trái phép tại Hòa Bình…, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, là bài học đắt giá về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này, nhưng quan trọng và chủ yếu là một số công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; các cách tiếp cận và công cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời trong công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Đến sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là điều cần thiết, khi đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cuộc cách mạng trong công tác bảo vệ môi trường, với những quan điểm mới, quy định mới, tạo sự thống nhất cao trong toàn xã hội, chuyển đổi ý thức, trách nhiệm và hành động của toàn dân trong bảo vệ môi trường.

Tiếp tục đổi mới, tạo động lực đưa đất nước phát triển. Ảnh Hoàng Minh

Tính “cách mạng” thể hiện ở việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, dựa trên quan điểm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo cùng với kinh tế, xã hội, các yêu cầu bảo vệ môi trường phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường với mục đích xây dựng được một đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mới được ban hành trong thời gian qua, giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được tình trạng mất cân bằng sinh thái. Với dự án này, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành”.

Dự thảo Luật sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (giảm khoảng 50 tỷ đồng/năm); tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường (giảm khoảng 86 tỷ đồng/năm); bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng/năm)…

Luật mới và “khát vọng xanh”

Các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế, đưa các vấn đề mới mà Luật hiện hành chưa thể hiện được như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Sự thống nhất này cho thấy kỳ vọng chung về một bộ luật mới có thể đưa công tác quản lý môi trường lên một tầm cao mới, trở thành cơ sở pháp lý vững chắc để chuyển hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững hơn, “xanh hơn”.

Như Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà từng nói: “Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà phải gắn với trách nhiệm, quyền lợi và quyền hạn của người dân. Đây là công việc chung, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, xã hội”.

Khắc khoải với những dòng sông đen ngòm vì nước thải, đau đáu với những mảnh đất bị ô nhiễm vì rác thải bao nhiêu, người ta lại càng mong mỏi về một sự đổi thay bấy nhiêu. Thay đổi - trước hết là ở quyết sách. Nhưng những chính sách pháp luật ra đời được thực thi hiệu quả hay không, lại nằm ở chính ý thức của mỗi người dân. Nhân dân nắm trong tay “tương lai xanh” của chính mình!

Có thể, con đường xanh hóa sẽ còn không ít gian nan, nhưng với quyết tâm, ý chí, đồng lòng thống nhất, việc tạo dựng một cuộc sống trong lành, một tương lai bền vững hơn không phải là điều quá xa vời. Để sau này, vẫn còn đó niềm tự hào về “Đất” và “Nước” Việt Nam:

“Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…”

(Trích “Đất nước” - Nguyễn Khoa Điềm)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết sách lớn kiến tạo tương lai xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO