Phát triển đô thị miền Trung thích ứng với BĐKH: Quy hoạch và tầm nhìn ứng phó BĐKH

Xuân Hợp| 07/02/2023 16:06

(TN&MT) - Quy hoạch là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị nói chung, trong đó có đô thị biển, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Đô thị hóa nhanh, mất kiểm soát

Sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, các đô thị biển nước ta, nhất là các đô thị biển miền Trung đã có nhiều thay đổi về diện mạo kiến trúc theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nghỉ dưỡng và kinh tế biển.

Thế nhưng mặt trái của tốc độ nhanh dẫn đến mất kiểm soát, chiếm lĩnh thô bạo không gian và cảnh quan thiên nhiên, lấn át di sản kiến trúc truyền thống, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh tế của cư dân địa phương, gây khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường sinh thái ven biển.

8.1.jpg

Đô thị ven biển Đà Nẵng

Đáng chú ý, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có nhiều diễn biến phức tạp cả về mức độ và tần suất kèm theo tốc độ đô thị hóa nóng, việc phát triển đô thị duyên hải miền Trung Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn bao gồm thiên tai (lũ lụt, hạn hán), tăng nhiệt/ ngập lụt/ nước biển dâng, cung cấp nước sạch. Việc quy hoạch phát triển đô thị giáp biển và các bờ của các cửa sông chính và phía sau các cồn cát dọc theo các bãi biển theo phương thức cũ, tập trung đông dân cư cũng là nguyên nhân chính khiến các đô thị ven biển duyên hải miền Trung dễ bị ảnh hưởng thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.

Giống như các đô thị ven biển trên thế giới, các cộng đồng cư dân tại các đô thị ven biển duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão, kèm theo đó là hạn hán, ngập lụt do nước biển dâng và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh làm suy giảm chất lượng cuộc sống, tàn phá hệ thống công trình và hạ tầng đô thị, tác động của biến đổi khí hậu còn gây ra lũ lụt, xói mòn, xâm nhậm mặn gây thiếu nước sinh hoạt cũng như gia tăng nguy cơ tai nạn trên biển.

Cần tầm nhìn chiến lược

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới phải chịu tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… để các đô thị ven biển miền Trung phát triển bền vững, có nhiều giải pháp được đặt ra một cách khẩn trương và cấp thiết.

Theo các chuyên gia, các địa phương ven biển cần đẩy mạnh quy hoạch xây dựng công trình hỗn hợp cân bằng với khả năng đáp ứng hạ tầng đô thị đặc biệt là nước sinh hoạt thông qua các chính sách phân vùng và quy tắc xây dựng hỗ trợ phát triển sử dụng hỗn hợp; lập kế hoạch/ quy hoạch cho các khu vực có chức năng kết hợp giải trí, thương mại và công nghiệp theo khả năng cung cấp nước sinh hoạt; thực hiện các chính sách tài khóa và các biện pháp khuyến khích hỗ trợ.

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2050, sẽ có 50% dân số đô thị vào năm 2025, phần lớn các đô thị quan trọng có vị trí ở vùng đồng bằng ven biển, còn lại là các đô thị được phân bổ ở vùng núi và trung du.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế của thiết kế quy hoạch tổ chức các cộng đồng nhỏ gọn để nâng cao, bảo tồn và cung cấp quyền tự do tiếp cận về cảnh quan/ tầm nhìn hướng biển (ưu đãi khuyến khích cộng đồng địa phương tăng mật độ, quy hoạch tổ chức quy mô công trình phù hợp với cảnh quan và mức độ sử dụng của các trục tuyến phố; duy trì và tăng tầm nhìn cho cảnh quan ven biển; lồng ghép giảm thiểu rủi ro vào quy hoạch và quy định; khuyến khích các phương pháp tiếp cận cơ sở hạ tầng xanh ở quy mô địa điểm, cộng đồng và khu vực để tăng khả năng chống chịu với các hiểm họa thiên nhiên và quản lý dòng chảy thoát nước).

Quy hoạch tổ chức các khu nhà ở có thể tiếp cận trực tiếp với không gian biển bằng các tuyến đi bộ, ưu tiên sử dụng đồng thời với các hoạt động công cộng. Cụ thể là kết hợp việc sử dụng đất và thiết kế các tòa nhà để thúc đẩy hoạt động của người đi bộ và khả năng tiếp cận trực quan với nước; xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và hỗ trợ người đi bộ, xe đạp và các phương tiện di chuyển phi cơ giới khác.

Bảo tồn không gian mở, đất nông nghiệp, không gian thiên nhiên và các khu vực môi trường quan trọng đặc trưng và hỗ trợ các cộng đồng ven biển và ven sông (lập kế hoạch với bảo tồn thiên nhiên, dự đoán các quá trình năng động của bờ biển và ven biển như: bão, mực nước biển dâng, mực nước hồ giảm, xói mòn; quản lý các hệ thống sinh thái để thích ứng với những thay đổi do hoạt động của con người gây ra; bảo vệ/ duy trì và ưu tiên khôi phục các hệ thống sinh thái, bao gồm các vùng đất ngập nước và môi trường sống ven biển; bảo tồn không gian mở và các vùng đất tự nhiên cho các tài nguyên danh lam thắng cảnh và các cơ hội giải trí).

Tăng cường và phát triển bền vững các cộng đồng hiện có và khuyến khích sự hồi sinh của không gian bờ sông. Thúc đẩy các nỗ lực phục hồi bờ sông dựa vào cộng đồng; thúc đẩy phát triển thông qua bảo quản, nâng cấp và sử dụng lại các không gian truyền thống hiện có, cải tạo làm mới các không gian ven sông lịch sử cho các chức năng mới; dọn dẹp và tái sử dụng các cánh đồng bạc màu. Cung cấp nhiều phương án giao thông đường bộ và đường thủy. Trong đó, tăng cường giao thông công cộng trên mặt nước và liên kết với các hệ thống giao thông đường bộ; đảm bảo rằng các phương án vận chuyển đồng bộ của hàng hóa và con người; lập kế hoạch cho nhu cầu vận chuyển theo mùa.

Ý KIẾN:

Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Xây dựng và phát triển đô thị hướng biển được triển khai trên cơ sở tích hợp 3 mô hình

Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài hơn 120km, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, không gian ven biển. Hiện tỉnh đang tổ chức hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng trong phát triển đô thị hướng biển, đặc biệt, hoàn thành mở rộng TP. Huế cùng với đầu tư các công trình trọng điểm ven biển như tuyến đường bộ ven biển, cầu qua cửa biển Thuận An... giúp giao thương, kết nối thuận lợi và hỗ trợ phát triển du lịch ven biển.

ong-nguyen-dai-vien-giam-doc-so-xay-dung-tinh-thua-thien-hue.jpg

Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tỉnh đã và đang phát triển hành lang giao thông đường bộ ven biển, các cảng biển Phong Điền, Thuận An, Chân Mây, khu du lịch cấp quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương và khu du lịch phá Tam Giang - Cầu Hai; khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô; các đô thị gồm đô thị Chân Mây (loại III, tương lai), thị xã Phong Điền, thị xã Phú Lộc (tương lai) và phường Thuận An, các thị trấn Sịa, Phú Đa và một số đô thị mới; các trung tâm hậu cần phát triển kinh tế biển. Đối với vùng biển và đảo Sơn Chà, vùng biển và hải đảo được phân thành các vùng chức năng về bảo vệ, bảo tồn, quốc phòng an ninh, quản lý bảo vệ, khuyến khích phát triển với các ngành kinh tế biển, và vùng cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn các hệ sinh thái phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, về mô hình quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững thành phố Thừa Thiên - Huế hướng biển, thích ứng với BĐKH, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố hướng biển. Mô hình quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hướng biển Thừa Thiên - Huế tương lai cần được triển khai trên cơ sở tích hợp 3 mô hình: Mô hình đô thị thích ứng; mô hình đô thị sinh thái biển và mô hình đô thị có khả năng chống chịu.

Ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa:

Quy hoạch không gian biển cần chú trọng các vùng dân cư, công nghiệp và công trình ven biển

Quy hoạch không gian biển phải phù hợp và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, các lợi ích khác của Việt Nam; Phù hợp với quy hoạch tổng thế quốc gia; Bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái; Quy hoạch không gian biển được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch có liên quan đến kết cấu hạ tầng khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên các vùng ven biển, các đảo, quần đảo có xem xét tới tính đặc thù của các ngành. Cần tập trung quy hoạch đối với các vấn đề: Ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế biển đã được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đặc biệt tập trung vào du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu, khí, điện gió.

ong-pham-van-hoanh-pgd-so-tn-mt-thanh-hoa.jpg

Ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

Với miền Trung nói chung và Thanh Hóa nói riêng, việc quy hoạch phát triển đô thị giáp biển và phía sau các cồn cát dọc theo các bãi biển theo phương thức cũ, tập trung đông dân cư là nguyên nhân chính khiến các đô thị vùng duyên hải miền Trung dễ bị tác động bởi BĐKH. Do đó, nghiên cứu, định hướng quy hoạch không gian biển cần chú trọng quy hoạch các vùng dân cư, công nghiệp và các công trình ven biển. Tăng cường các biện pháp kiên cố hóa, bao gồm nâng cấp mạng lưới đê, kè và tường chắn sóng. Ngoài việc tu bổ nâng cấp hệ thống đê, kè hiện có, cần xây dựng mới các tuyến đê, kè biển và cửa sông để bảo vệ các khu vực dân cư và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng biển. Chú trọng xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt chi tiết hơn, kịch bản mực nước biển dâng tại khu vực ven biển phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Quy hoạch bền vững đô thị ven biển phải dành đất cho cây xanh

TP. Đà Nẵng là đô thị biển, vì vậy cần có kế hoạch ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Trận ngập ở Đà Nẵng vừa qua là một đáng tiếc nhưng cũng là cảnh báo cho biết ,Đà Nẵng trong tương lai có thể ngập hơn, để từ cảnh báo này, thành phố có sự đầu tư, chuẩn bị bài bản hơn ứng phó hiệu quả với ngập lụt đô thị. Để chuẩn bị về quy hoạch ứng phó, trước hết phải tăng không gian xanh, đặc biệt là khu vực đồi núi giáp với đồng bằng nên có những vành đai xanh rừng. Cùng với đó, là tăng không gian xanh công viên thành phố. Hiện, diện tích công viên tại TP. Đà Nẵng khá thấp, cần thiết phải bổ sung. Trong quy hoạch phải tăng diện tích công viên. Các công viên có vai trò khi mưa lớn, hạ tầng không kham nổi thì nước đổ vào công viên, thẩm thấu xuống đất, bổ sung nước ngầm. Một mặt giảm ngập, mặt khác giúp giảm xâm nhập mặn.

tskh.kts-ngo-viet-nam-son.jpg

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Chính quyền TP. Đà Nẵng cần có chính sách kiểm soát và chế tài trong quá trình cấp phép và quản lý việc xây dựng các dự án. Cụ thể, khi cấp phép xây dựng dự án cao tầng thì phải ràng buộc với các cam kết của chủ đầu tư, đề nghị nhà đầu tư khi bán dự án đến đâu thì phải làm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng không gian xanh mặt đất đến đó, theo một tỷ lệ tương xứng. Ngoài ra, cần tăng không gian cho nước, xây dựng thêm hệ thống kênh rạch, các hồ điều tiết. Đối với những khu vực đô thị đã làm kín hết thì tương lai xa phải tính đến xây dựng các hồ điều tiết ngầm để thu nước.

Bên cạnh đó, đô thị cần phải được quy hoạch nền đủ cao, phối hợp với quy hoạch không gian cho nước ở khu vực thấp gần đó, để giảm tác hại tương lai do BĐKH và nước biển dâng. Đợt ngập lụt vừa rồi tại TP. Đà Nẵng cũng là một cảnh báo cần thiết để các thành phố khác có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Thu Thuỷ - Văn Dinh - Minh Quân (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị miền Trung thích ứng với BĐKH: Quy hoạch và tầm nhìn ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO