Biến đổi khí hậu

Xác định phương án quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon

Khánh Ly 29/10/2024 - 21:03

(TN&MT) - Chiều 29/10, tại Hà Nội, Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khởi động Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam.

Đây là hỗ trợ kỹ thuật do UNOPS tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), nhằm nhằm hỗ trợ Cục Biến đổi Khí hậu trong việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Thông qua quá trình đánh giá, liên danh tư vấn sẽ cung cấp các khuyến nghị về xác định các phương án quản lý tối ưu đối với hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon, hướng tới vận hành hiệu quả thị trường các-bon tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và chủ động đưa ra các cam kết lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này và mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, một trong những biện pháp quan trọng là định giá các-bon.

img_0974.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang, hiện đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng định giá các-bon (bao gồm thuế các-bon và thị trường các-bon), giúp kiểm soát khoảng 11 tỷ tấn các-bon, tương đương khoảng 20% phát thải toàn cầu. Đây là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc thiết lập thị trường các-bon trong nước.

Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường các-bon của Việt Nam. Trước mắt, tháng 6/2025 sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Trong thời gian tới, cần phải có phương án thiết kế và quản lý hệ thống ETS phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của Việt Nam. “Nhiệm vụ đánh giá do UNOPS chủ trì thực hiện, kéo dài từ nay đến tháng 6/2025 nhằm phục vụ triển khai giai đoạn thí điểm” - ông Quang chia sẻ.

img_0977.jpg
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cập nhật về quy định quản lý thị trường các-bon trong nước và giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế của Việt Nam

Tại hội thảo khởi động, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cập nhật về các quy định quản lý thị trường các-bon trong nước và giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế của Việt Nam; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xác định các phương án quản lý và đánh giá tác động đối với Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế.

Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sắp tới, chỉ có các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường các-bon (khoảng 150 doanh nghiệp). Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường các-bon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.

Theo TS. Robert Ritz, Đại học Cambridge, việc định giá các-bon có khả năng giảm phát thải một cách nhanh chóng và hiệu quả về chi phí. Một ví dụ thành công là tại Anh, việc áp dụng thuế các-bon trong ngành điện đã giúp giảm 26% lượng CO₂ liên quan đến sản xuất điện chỉ trong vòng ba năm. Và từ đầu tháng 10/2024, Anh dừng sản xuất điện tử than đá. Việc quy định hạn ngạch phát thải chính là yếu tố thúc đẩy định giá các-bon, tuy nhiên, nhà quản lý cần tính đến hỗ trợ chính sách nhằm hạn chế việc chuyển chi phí các-bon, hay nói cách khác là tăng giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng để bù đắp chi phí tăng thêm do giá các-bon.

img_0978.jpg
TS. Robert Ritz, Đại học Cambridge tham gia trực tuyến và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xác định các phương án quản lý và đánh giá tác động cho ETS

Về tín chỉ các bon, Điều 6 Thỏa thuận Paris cung cấp một cơ chế để các quốc gia tự nguyện tham gia vào việc trao đổi tín chỉ các-bon (ITMOs). Các công ty/chính phủ có thể đầu tư vào các dự án giảm nhẹ hoặc mua ITMOs từ các dự án giảm nhẹ, qua đó chuyển giao tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực cho các quốc gia nơi dự án được thực hiện. Tín chỉ các bon cũng sẽ được chuyển giao và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia/cơ chế quốc tế khác, nhưng đây cũng là nguồn thu giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong nỗ lực giảm phát thải của quốc gia.

Nhấn mạnh những điểm chính cần lưu ý khi xác định phương án quản lý giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế, ông Frederic Ggnon – Lebrun, chuyên gia tư vấn từ South Pole cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc mức độ chắc chắn đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), mức độ thu hút đầu tư quốc tế và vai trò của các khoản thu theo Điều 6 cho việc giảm nhẹ trong nước. Cùng với minh bạch trong cơ chế quản lý, chính phủ cần đơn giản hóa các quy tắc và yêu cầu để thuận tiện cho công tác quản lý và giúp các bên tham gia thị trường dễ dàng thiết lập mô hình tài chính.

Theo bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), Trưởng nhóm chuyên gia chính sách khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật lần này sẽ phân tích khung pháp lý của Việt Nam và xem xét kinh nghiệm quốc tế để xác định các phương án thiết kế và quản lý đối với việc xây dựng Hệ thống ETS, tập trung vào các phương án khả thi cho vận hành thí điểm thị trường các-bon trong giai đoạn 2025-2027.

z5979905017374_798824e34226353ff9016505fcdc81bf.jpg
Bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), Trưởng nhóm chuyên gia chính sách khí hậu giới thiệu về hỗ trợ kỹ thuật Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam

Nhóm tư vấn sẽ đánh giá và mô hình hóa tác động của các phương án quản lý ETS tại Việt Nam, bao gồm việc phân tích các tác động cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường của những phương án này, đặc biệt là tác động đối với các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Đồng thời, đánh giá và mô hình hóa các tác động kinh tế-xã hội và môi trường của việc giao dịch tín chỉ cácbon và các kết quả giảm nhẹ phát thải KNK của Việt Nam ra quốc tế. Trên cơ sở này, nhóm tư vấn sẽ cung cấp các khuyến nghị, nhằm xác định các phương án quản lý tối ưu đối với tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải KNK.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ về các vấn đề xung quanh thiết kế xây dựng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon, kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề cần lưu ý, những đề xuất dựa trên bối cảnh của Việt Nam.

_mg_0982.jpg
Đại biểu đặt câu hỏi cho các chuyên gia

Theo ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP), hỗ trợ kỹ thuật sẽ cung cấp tư vấn chuyên môn sâu từ các chuyên gia cả trong nước và quốc tế, các khuyến nghị dựa trên bằng chứng rõ ràng để giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra thiết kế phù hợp với thị trường trong nước, hài hòa với các quy định pháp luật hiện hành và từ đó, góp phần đẩy mạnh nỗ lực giảm phát thải, ứng phó BĐKH của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định phương án quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO