Khắc phục sạt lở, giúp dân ứng phó bão TRAMI
(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang nổ lực gia cố sạt lở bờ biển trước khi bão số 6 (TRAMI) đổ bộ, đồng thời hoãn các cuộc họp không cần thiết; trong khi đó tỉnh Quảng Trị triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân ứng phó với bão.
Gia cố bờ biển sạt lở
Ngày 26/10, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng lãnh đạo một số Sở, ban, ngành đã thực tế kiểm tra tiến độ khắc phục sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP. Huế). Đây là khu vực bị sạt lở những ngày trước do mưa lớn và sóng biển mạnh.
Dù trời mưa nhưng hàng trăm lực lượng bộ đội, biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các lực lượng tại chỗ của địa phương vẫn tiếp tục triển khai các phương án để ứng cứu khẩn cấp sạt lở bờ biển.
2.350 m2 vải lọc, 700 m3 đá hộc và hàng ngàn bao cát được các lực lượng dùng để đắp bờ, ngăn chặn bờ biển, với quyết tâm cao nhất, không để tiếp tục sạt lở, gây thiệt hại, đe dọa đến cuộc sống của các hộ kinh doanh, buôn bán dọc bờ biển.
Chạy đua với thời gian, ngày 26/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục “chi viện” thêm 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các vật dụng cần thiết. Xe cơ giới cũng được tiếp tục huy động đến hiện trường để hỗ trợ các lực lượng tham gia khắc phục sạt lở bờ biển.
Thực tế cho thấy, gần 1.000 m chiều dài bờ biển giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An trước đó bị sạt lở đã được đắp bờ bằng đá hộc, bao cát và các loại cọc để ngăn chặn nguy cơ sạt lở bờ biển, phòng ngừa xảy ra mưa lớn trong thời gian tới do ảnh hưởng của bão TRAMI.
Hiện, các lực lượng ưu tiên tập trung xử lý đoạn sạt lở bờ biển nặng, nguy cơ tiếp tục sạt lở cao khoảng 300 m, với tinh thần khẩn trương, thần tốc, chạy đua với thời gian. Vừa xử lý sạt lở, cùng đồng thời các lực lượng tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn trong khu vực.
Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang tích cực vận động và giúp đỡ người dân ven biển chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, đảm bảo tài sản…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu lưu ý, thời tiết và bão số 6 có diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để sớm khắc phục xong sạt lở bờ biển, cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 6 với tinh thần “tuyệt đối không được chủ quan, bị động, bất ngờ và luôn bám phương châm 4 tại chỗ để thực hiện”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng vừa có điện hỏa tốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch được phê duyệt. Hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống. Đồng thời, khẩn trương rà soát và kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét. Không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản...
Đến nay tại Thừa Thiên – Huế, 1.884 phương tiện, 10.685 lao động đã vào bờ, neo đậu an toàn (100 %); hơn 90 % diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch. Tỉnh cũng đã có phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ, với 52.186 nhân khẩu để ứng phó với bão lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Quảng Trị tích cực giúp dân ứng phó bão
Trước tình hình bão TRAMI đang diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị đã kịp thời triển khai nhiều phương án để giúp dân.
Đồn Biên phòng Cửa Việt đã cử 3 tổ công tác gồm 16 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ tự quản tàu thuyền để thông báo, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn. Ngoài ra, Đồn còn hỗ trợ các trường học trong khu vực, gia cố các phòng học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong điều kiện thời tiết xấu.
Hiện các tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa Việt vẫn đang tích cực triển khai nhiệm vụ, túc trực nhằm ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của bão.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ, những ngày qua Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cùng các lực lượng trên đảo tiến hành cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa cũng như giúp người dân neo đậu, đưa tàu thuyền lên bờ.
Cụ thể, lực lượng biên phòng chằng chống nhà cửa cho 15 hộ gia đình, đưa 8 phương tiện thuyền, ghe của ngư dân lên bờ để neo đậu tại khu vực an toàn; huy động 1 cano và 1 tàu quân sự để hỗ trợ trong nhiệm vụ phòng chống bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của nhân dân trên đảo.
“Hiện nay trên đảo không còn khách du lịch lưu trú, công tác chuẩn bị được hoàn tất và sẵn sàng phương án ứng phó nếu bão đổ bộ”, ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ nói.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến nay, 2.614 tàu thuyền với 6.152 thuyền viên đã vào nơi neo đậu an toàn tránh trú bão; tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn tỉnh 50 chiếc với 322 thuyền viên.
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của mưa bão. Các lực lượng chức năng, quân đội, công an sẵn sàng các phương án, kịch bản cứu hộ cứu nạn người dân; nếu cần thiết có thể tiến hành cưỡng chế, di dời dân đến nới tránh trú bão an toàn, không để người dân ở lại các khu vực neo đậu tàu thuyền, những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa bão…