Hiệu quả từ việc áp dụng phương pháp “Giáo dục hành động” trong tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa
(TN&MT) - Ngày 25/10 tại TP. Huế, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA) với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam và được tiếp nhận bởi UBND TP. Huế) tổ chức tổng kết “Mô hình tuyên truyền về Phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa áp dụng phương pháp Giáo dục hành động”.
Đại diện Dự án TVA cho rằng, để xây dựng một thành phố xanh, sạch, sáng, phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và giảm thiểu rác thải nhựa (RTN); công tác truyền thông trực tiếp đến người dân về lợi ích của PLRTN, nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của RTN, cũng như áp dụng các giải pháp giảm thiểu RTN dùng một lần là hướng đi hiệu quả nhằm tiến đến thay đổi hành vi giảm sử dụng nhựa tại cộng đồng.
Giáo dục hành động là một phương pháp thực tiễn thúc đẩy các sáng kiến tại chỗ - dựa trên hành động tự nguyện, tự lực giúp người dân địa phương thực hiện các cải thiện ngay lập tức, dựa trên kinh nghiệm và nguồn lực (sức người, sức của) sẵn có tại địa phương. Phương pháp này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nông thôn, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, nước sạch vệ sinh, biến đổi khí hậu… Trong khuôn khổ Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, Giáo dục hành động được áp dụng để thúc đẩy các hành vi giảm nhựa tại các hộ gia đình và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP. Huế.
Từ tháng 5/2023, Dự án TVA đã phát triển bộ công cụ gồm bảng kiểm với các hành vi khuyến khích thực hiện giảm nhựa và sổ ghi chép, biểu mẫu nhập thông tin cùng với việc xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nhằm tiến hành công tác truyền thông Giáo dục hành động giảm rác thải nhựa tại 8 phường xã, tập trung vào đối tượng hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh.
Sau 3 tháng thực hiện thử nghiệm thành công, bắt đầu từ tháng 10/2023, Dự án TVA đã triển khai truyền thông trên diện rộng đến 19 phường, xã trên địa bàn TP. Huế. Từ tháng 4/2024 đến tháng 10/2024 là giai đoạn 3 của chiến dịch truyền thông áp dụng phương pháp Giáo dục hành động, qua đó triển khai hoạt động truyền thông thay đổi hành vi giảm nhựa đến người dân của 31 phường/xã tại Huế.
Hơn 17 tháng thực hiện với 3 giai đoạn triển khai, hoạt động tuyên truyền thay đổi hành vi giảm nhựa áp dụng phương pháp Giáo dục hành động đã đạt được nhiều thành quả tích cực: 15.182 hộ gia đình được tuyên truyền giảm nhựa với 44.251 lượt thăm hộ; 492 cơ sở kinh doanh được tuyên truyền giảm nhựa với 1.214 lượt thăm hộ; giảm được trên 18 tấn rác thải nhựa…
Bên cạnh đó, một trong những nhân tố quan trọng để Dự án TVA áp dụng thành công trong phương pháp này là xây dựng thành công đội ngũ tuyên truyền viên với sự tham gia nhiệt tình và năng nổ của 612 thành viên. Ngoài việc hướng dẫn người dân, họ còn là những tấm gương điển hình trong thực hành các giải pháp giảm nhựa đến người thân và cộng đồng xung quanh để cùng noi gương theo.
Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, thông qua “Giáo dục hành động” chứng tỏ dù trong thời đại công nghệ số, phương pháp này trực tiếp tuyên truyền, sâu sát đến từng hộ gia đình vẫn rất phù hợp để lan tỏa những hành động đẹp, nếp nghĩ, nếp làm hay. Đội ngũ tuyên truyền viên của Dự án TVA sẽ là nòng cốt, tiên phong lan tỏa tinh thần giảm thiểu RTN, tích cực PLRTN đến toàn bộ người dân Huế trong tương lai không xa…
Sự kiện tổng kết đã chia sẻ kết quả triển khai hoạt động tuyên truyền giảm nhựa áp dụng phương pháp Giáo dục hành động; chia sẻ tiến trình, thuận lợi, khó khăn trong việc vận động người dân thực hiện và thảo luận định hướng mở rộng mô hình. Ngoài ra, để ghi nhận những đóng góp của đội ngũ tuyên truyền viên, Dự án TVA đã tuyên dương 23 nhóm tuyên truyền viên xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền giảm RTN và PLRTN tại TP. Huế.
Phát biểu về sự kiện, bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam cho biết, việc thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng trong phân loại, xử lý rác thải và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta đã tạo nên bước đầu đầy vững chắc.
“Với hơn 18 tấn RTN được giảm thiểu và hàng nghìn lượt thăm hộ gia đình, cơ sở kinh doanh để tuyên truyền, chúng ta đã chứng minh rằng thay đổi là có thể. Nhưng hành trình này chưa kết thúc. Tôi kỳ vọng rằng, từ những tuyên truyền viên hiện tại và người dân đã được tuyên truyền, phong trào giảm RTN và PLRTN sẽ tiếp tục lan tỏa rộng khắp TP. Huế. Để rồi, việc phân loại rác và từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ là một hoạt động mang tính chất thời điểm, mà trở thành nếp nghĩ, nếp làm hàng ngày của mỗi người dân”, bà Vân chia sẻ.