TP. Huế: Thu gom hơn 60.000 kg rác tái chế qua ứng dụng trên điện thoại
(TN&MT) - Sau gần 1 năm hoạt động, ứng dụng công nghệ trong phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và thu gom rác tái chế thông qua ứng dụng mGreen trên điện thoại di động đã thu gom thành công trên 60.000 kg rác tái chế ở TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), qua đó góp phần giải bài toán về PLR, thúc đẩy chuyển đổi số trong nghề buôn bán ve chai phế liệu, đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngày 15/9 tại TP. Huế, Doanh nghiệp xã hội MGREEN và Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (Dự án TVA, do WWF-Na Uy tài trợ, thông qua WWF-Việt Nam và được tiếp nhận bởi UBND TP. Huế) tổ chức Lễ tổng kết “Dự án mGreen - Ứng dụng đô thị thông minh phân loại rác tại nguồn được tích điểm, đổi quà”.
Ứng dụng công nghệ trong PLRTN và thu gom rác tái chế thông qua ứng dụng mGreen trên điện thoại di động là chương trình được tài trợ bởi Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, với sự phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội MGREEN, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Huế và hai Tổ hợp tác nghề ve chai tại phường An Đông và Hương Sơ (TP. Huế).
Khởi động vào tháng 10/2023, đến nay, Dự án mGreen đã thu gom thành công hơn 60.000 kg rác tái chế qua ứng dụng mGreen, với 20.000 kg rác thải nhựa; hoạt động liên kết với gần 2.000 hộ gia đình tại TP. Huế và 3.000 đơn thu mua giao dịch thành công trên ứng dụng di động mGreen và mGreen Collector.
mGreen Collector không chỉ là tên gọi của ứng dụng di động giúp kết nối người phân loại và người thu gom rác mà còn là tên gọi của đội ngũ ve chai công nghệ tại TP. Huế. Trong gần một năm hoạt động, các tổ viên Tổ hợp tác nghề ve chai - thu gom phế liệu phường An Đông, phường Hương Sơ đã được tập huấn để sử dụng thành thạo ứng dụng di động mGreen Collector trong hoạt động thu gom rác tái chế, thu mua phế liệu, giúp chị em tổ hợp tác tiết kiệm thời gian làm việc, nâng cao hiệu quả trong công việc.
Thông qua phần mềm mGreen Collector, người mua bán ve chai, đồng nát nhận được đơn yêu cầu thu mua rác tái chế với thông tin, địa chỉ chủ nguồn thải cụ thể và lịch trình xác định, đồng thời lựa chọn phương thức thanh toán qua điểm mGreen mà không cần trả tiền mặt trực tiếp; điều đó giúp cho đội ngũ mGreen Collector chủ động sắp xếp đơn thu mua, tối ưu lịch làm việc. Để kết nối với người thu gom, người dân sử dụng ứng dụng mGreen để đặt lịch thu mua rác tái chế, phế liệu thông qua app mGreen. Khi sử dụng app, chủ nguồn thải có đầy đủ thông tin liên hệ, hình ảnh, ngày giờ thu gom từ đó tạo ra sự tin tưởng và thuận lợi trong việc trao đổi thông tin mua bán phế liệu.
Bà Trần Thị Xuân, Tổ trưởng tổ hợp tác nghề ve chai, thu gom phế liệu phường An Đông (TP. Huế) chia sẻ rằng, lâu nay các thành viên trong tổ chỉ biết sử dụng điện thoại để nghe gọi thì nay đã biết sử dụng công nghệ 4.0 nhiều hơn trong việc thu mua ve chai trên ap Mgreen, đã thu được hơn 1.000 lượt đặt lịch với gần 22.000 kg rác, mua bán tiền mặt hơn 50 triệu đồng, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm thêm cho nhiều chị em, cải thiện đời sống.
“Chúng tôi rất vui, tự hào vì bản thân đã góp phần trong công tác tuyên truyền cho người dân thói quen PLRTN. Thời gian đến, chúng tôi mong tiếp tục được sự quan tâm của chính quyền, dự án để duy trì và phát huy hiệu quả việc thu gom ve chai này...”, chị Xuân nói.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, việc áp dụng công nghệ trong PLRTN là hướng đi tất yếu trong thời đại số ngày nay. Kết nối người dân có nhu cầu bán rác tái chế, phế liệu và người thu gom phi chính thức thông qua ứng dụng di động như mGreen không chỉ nâng cao hiệu quả thói quen PLR tại các hộ gia đình, cũng như tăng cường thu gom rác tái chế trên địa bàn TP. Huế; mà còn góp phần cải thiện sinh kế và điều kiện làm việc của người làm nghề ve chai - những người vốn dĩ đã và đang làm việc trong điều kiện khó khăn với nguồn thu nhập hạn chế...
Sau thời gian triển khai thành công tại TP. Huế, hình tượng người buôn bán ve chai công nghệ kiểu mới - mGreen Collector đã truyền cảm hứng tới đông đảo đội ngũ thu gom rác phi chính thức, từ đó nhân rộng mô hình tới các địa phương trên nhiều tỉnh thành để giải bài toán về PLR, thúc đẩy chuyển đổi số trong nghề buôn bán ve chai phế liệu, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.