Kon Tum: Trồng rừng để tăng độ che phủ và phát triển kinh tế

Quế Mai| 22/02/2021 11:12

(TN&MT) - Hỗ trợ bà con người đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất và tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đang được chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện nhằm giúp người dân vừa phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời góp phần tăng độ che phủ rừng của toàn tỉnh Kon Tum.

19-2-.jpg

Người dân tham gia trồng rừng

Hỗ trợ trồng rừng sản xuất

Thống kê của ngành chức năng tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm 2020, ngành lâm nghiệp tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ kinh phí trên 3,5 tỷ đồng cho người dân là hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 2 huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy để phát triển trồng rừng sản xuất.

Theo đó, các hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc. Tại Sa Thầy, người dân lựa chọn trồng cây bạch đàn, với diện tích 293,79 ha. Tại Ngọc Hồi, 21 hộ dân xã Sa Loong cùng chính quyền địa phương tích cực hưởng ứng trồng keo với diện tích 53 ha.

Theo ông Võ Văn Út - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Hồi, người dân tham gia trồng rừng sản xuất được hỗ trợ 10 triệu đồng trên 1 ha. Việc trồng cây sẽ tiến hành theo đúng hồ sơ thiết kế và vị trí đã đăng ký trước, mật độ cây trồng phù hợp theo hướng dẫn để đảm bảo tỉ lệ cây sống và phát triển trên 85%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, một số hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất đã trồng mì xen lẫn trong diện tích trồng keo, ít phát dọn thực bì trong rừng trồng, cây trồng sinh trưởng chậm, nguy cơ cháy rừng trồng và cây bị chết trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thu hoạch mì làm ảnh hưởng đến cây trồng; thời tiết lúc trồng cây không phù hợp, cây trồng bị mối phá hoại cũng làm chết một phần diện tích rừng trồng.

“Hỗ trợ bà con trồng rừng sản xuất là hướng phát triển kinh tế cho bà con. Cây trồng phát triển tốt, bà con vừa được hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng vừa có nguồn thu khi cây đến tuổi thu hoạch. Dự kiến năm 2021, chúng tôi sẽ triển khai trồng tăng diện tích lên từ 220 đến 300 ha”, ông Võ Văn Út cho biết thêm.

Cải thiện môi trường sinh thái

Ngoài các huyện được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hỗ trợ kinh phí trồng rừng sản xuất, năm 2020 xã Văn Lem (huyện Đắk Tô) đã trích từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường rừng của các năm trước để hỗ trợ bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế.

19-1-.jpg
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng để phát triển kinh tế

Theo ông Lê Thành Thọ - Chủ tịch UBND xã Văn Lem, xã Văn Lem có 3.500 ha đất lâm nghiệp, trong đó 1.700 ha đất có rừng, còn lại là đất khoanh nuôi, tái sinh rừng. Năm 2020, xã đã trích hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ bà con triển khai trồng hơn 123 ha cây bạch đàn trên đất trống, đất bạc màu và đồi núi trọc.

Theo đó, 78 hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương được tham gia trồng rừng. “Bạch đàn là cây trồng thích nghi với điều kiện đất đồi, xấu, bạc màu. Sau khi khai thác, bạch đàn sẽ tự tái sinh từ nhánh, bà con không cần phát dọn hay trồng mới. Dự kiến từ năm 2021 đến 2025, xã Văn Lem sẽ tiếp tục trồng thêm để khoanh nuôi tái sinh rừng”, ông Thọ nói.

Ông Thọ nhận định: Việc trồng rừng sản xuất sẽ giúp cải thiện môi trường sinh thái của rừng; che phủ đất trống, đồi trọc, làm tăng độ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum nói chung. Đồng thời, nó còn tạo điều kiện cho người dân có kế sinh nhai, có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Qua đó, người dân sẽ cùng phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ngoài việc trồng và phát triển rừng sản xuất, xã Văn Lem cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Điển hình là các loại cây bản địa như: bồ hòn, thảo quả, tre, sâm dây, ba kích… Những cây này đã được nghiên cứu phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương nên có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó cho năng suất cao, sẽ phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế của người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Trồng rừng để tăng độ che phủ và phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO