Sơn La: Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường
(TN&MT) - Hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Sơn La xanh – nhanh – bền vững, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh, năm 2024, Sở TN&MT đã hoàn thành kiểm tra 11/11 đơn vị theo kế hoạch đã đề ra, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Qua đó, đã phát hiện 3 tổ chức có hành vi vi phạm; đã lập biên bản vi phạm, trình cấp có thẩm quyền xử phạt với tổng số tiền trên 650 triệu đồng.
Đồng thời, thực hiện thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong cấp, thu hồi Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện đối với UBND huyện Mai Sơn. Giám sát và phối hợp giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đối với 11 cơ sở, trong đó, 5 cơ sở thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ TN&MT.
Tiến hành xác minh 6 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, gồm: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại bản Khương Tiên, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã; rác thải y tế được vứt bỏ tại bãi rác huyện Mộc Châu; tình trạng ô nhiễm nước tại tổ 6 phường Chiềng Sinh thành phố;
Xác minh, giải quyết kiến nghị của các hộ dân tại Bản Nong Ỏ, xã Púng Tra, huyện Thuận Châu; xác minh, làm rõ phản ánh hộ gia đình xả nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu… Đồng thời, ban hành 12 văn bản xác minh, chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Kết quả xác minh, đa số cơ sở bị phản ánh đều thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, xã. Song, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT đã tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành xác minh, lấy mẫu phân tích, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hoặc kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xác minh tính chính xác của thông tin. Từ đó, đề xuất các giải pháp xử lý theo quy định, góp phần khắc phục tình trạng gây ô nhiễm cục bộ tại một số địa phương.
Trong công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đã tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với Nhà máy Mía đường Sơn La tại huyện Mai Sơn, Xưởng chế biến cà phê Cát Quế tại xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu.
Thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 7 cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung. Trên cơ sở đó, Tổ công tác đã thành lập 3 Đoàn giám sát gồm: Đoàn số 1 giám sát đối với 4 cơ sở chế biến cà phê; Đoàn số 2 giám sát đối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mai Sơn và Nhà máy mía đường Sơn La; Đoàn số 3 giám sát Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La.
Đến nay, 3 đoàn giám sát đã thực hiện giám sát đầu niên vụ với các cơ sở chế biến nông sản; xác minh 1 thông tin phản ánh về nước thải từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê tươi gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn xã Chiềng Ban, Chiềng Mai huyện Mai Sơn và phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.
Tại các huyện, thành phố, đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải đạt chuẩn.
Chỉ đạo UBND cấp xã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến nông sản, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, công trình biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động, nhất là vào thời gian từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác chỉ đạo, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được tỉnh Sơn La quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đã đổi mới công tác quản lý môi trường từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Trọng tâm là phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm từ hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi, thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với hoạt động kiểm tra, giám sát, đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ giai đoạn thẩm định các thủ tục hành chính về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường). Kiên quyết xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, chậm nộp hồ sơ cấp giấy phép môi trường theo quy định.