Xã hội

Hoà Bình: Bảo tồn nghề dệt truyền thống gắn với phát triển du lịch

Minh Anh 30/09/2024 - 22:02

(TN&MT) - Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh Hoà Bình đã có nhiều giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghề dệt truyền thống trở thành nghề mũi nhọn

Nghề dệt thổ cẩm được cho là tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông… của tỉnh Hòa Bình. Sản phẩm dệt thổ cẩm được sản xuất theo phong cách truyền thống bằng khung cửi. Các sản phẩm như chăn, màn, đệm, gối… được tự tay người phụ nữ nơi đây làm ra với ý nghĩa rằng, đôi bàn tay khéo léo sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình êm ấm.

Cứ như vậy, những tấm vải thổ cẩm hiện diện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng núi nơi đây và trở thành một nét đẹp truyền thống. Ngày nay, sản phẩm dệt thổ cẩm còn là món quà vô cùng ý nghĩa tặng người thân, bạn bè mà mỗi du khách có dịp ghé thăm.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân vùng núi, vùng cao tỉnh Hòa Bình đã có sự thay đổi nhờ phát triển loại hình du lịch. Trong đó, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái trở thành một trong những nghề mũi nhọn, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa quảng bá văn hóa của người Thái, người Mường, người Dao, người Mông tới du khách trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, tiềm năng du lịch làng nghề đối với địa phương được mở rộng, sản phẩm truyền thống được tiêu thụ tốt hơn ở cả trong và ngoài nước.

Bảo tồn giá trị văn hoá nghề truyền thống

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch gắn với sản phẩm dệt thổ cẩm, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Với kinh phí 5.774 triệu đồng, huyện Mai Châu đã xây dựng được cổng chào lớn tại ngã 3 Tòng Đậu, 4 cổng chào nhỏ, 4 bãi thu gom rác thải, trên 6 km đường… tại các xã Chiềng Châu, Nà Phòn, Tòng Đậu và thị trấn.

chieng-chau-4-.jpg
Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Thái

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cho sản phẩm, chính quyền địa phương đã khuyến khích thành lập các hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm và cung cấp cho nhiều địa phương trong và ngoài nước. Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có các làng nghề, cơ sở còn gìn giữ và phát triển mạnh, mang lại giá trị kinh tế cho người dân bản địa, gồm: Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu), Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành (Lạc Sơn); làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc).

Tại xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu có khoảng 30 hộ tham gia vào làng nghề dệt thổ cẩm. Bên cạnh việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề còn giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều lao động, giúp nâng cao đời sống kinh tế cho người dân nơi đây.

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ mạnh dạn liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu. Hợp tác xã liên kết với 45 hộ trong xóm và 100% sản phẩm của Hợp tác xã được dệt bằng tay.

chieng-chau-3-.jpg
Sản phẩm dệt thổ cẩm đa dạng mẫu mã, đáp ứng thị hiếu khách hàng

Kể từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu đã có nhiều hoạt động sáng tạo để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, giúp cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Nhờ gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm của Hợp tác xã được tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và được xuất khẩu sang thị trường Pháp.

Nhằm quảng bá giá trị độc đáo các sản phẩm thổ cẩm tới du khách trong và ngoài nước, Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu trưng bày sản phẩm tại nhà nghỉ số 6 bản Lác. Bên cạnh đó, sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm và quần áo thổ cẩm của Hợp tác xã đã được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Cũng giống như huyện Mai Châu, tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, trước đây sản phẩm dệt tại địa phương chủ yếu được sản xuất theo phong cách truyền thống bằng khung cửi. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của thị trường, chính quyền địa phương đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm và cung cấp cho nhiều nơi. Mô hình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành cũng mang lại nhiều giá trị văn hóa và lợi ích kinh tế cho địa phương.

Nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nghề dệt

Nhằm phát huy lợi thế về du lịch gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, đồng thời góp phần nâng cao giá trị kinh tế và giúp quảng bá văn hóa của người dân tộc thiểu số đến với bạn bè trong và ngoài nước, thời gian tới, tỉnh Hoà Bình sẽ tiếp tục tạo điều kiện để làng nghề truyền thống tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và sự kiện lớn trên địa bàn các huyện, tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ngoài giá trị về văn hóa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông… trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Do đó, việc giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, cần có hỗ trợ về đào tạo, nâng cao chất lượng mẫu mã, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn, tìm chỗ đứng vững chắc cho nghề dệt thổ cẩm.

dt_14420211623_1.jpg
Nghề dệt truyền thống vươn lên sản phẩm OCOP 3 sao

Đối với các Hợp tác xã dệt thổ cẩm, định hướng thời gian tới của tỉnh là phát triển sản phẩm gắn với du lịch địa phương, kết hợp mô hình homestay gắn với trải nghiệm thực tế. Thông qua du khách đến tham quan, trải nghiệm, tấm vải thổ cẩm có thể được quảng bá rộng rãi hơn ra thị trường trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoà Bình: Bảo tồn nghề dệt truyền thống gắn với phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO