Xã hội

Bình Dương: Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

Tường Tú 15/11/2024 - 18:03

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 6408/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

binhduong.jpg
Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường trên địa bàn tỉnh tương xứng với các nước đang phát triển (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng các Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết được cụ thể, hiệu quả, lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, các chương trình, kế hoạch hành động. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức báo cáo rà soát tình hình triển khai thực hiện kế hoạch để có chỉ đạo, điều hành kịp thời; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, giao thông, xử lý chất thải,..., cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14%/năm trong giai đoạn 2012 - 2020 và ước tăng bình quân 7,4%/năm trong giai đoạn 2021 - 2024.

Tỉnh Bình Dương cũng đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng; nguồn vốn đầu tư của ngân sách tỉnh chủ yếu bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đồng bộ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Tuy vậy, một số chính sách trong chỉ đạo, điều hành còn chậm, thiếu thống nhất; công tác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và duy tu, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng còn khó khăn, bất cập; hạ tầng xã hội, văn hoá, thể thao chưa được đầu tư đúng mức; tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại một số đô thị tập trung đông dân cư; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa mang tính tổng thể và đồng bộ.

Do đó, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng đồng bộ, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cụ thể, các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung các định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực cụ thể trong các cấp quy hoạch; phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, rừng và các tài nguyên khác; phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường của tỉnh tương xứng với các nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, vùng với quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới; định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đô thị thông minh, kết nối và hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, kiến nghị hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, phát triển hạ tầng số, kinh tế số,...; nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền giao thực hiện thí điểm các mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công để triển khai thực hiện; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế lớn có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển của tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO