“Phiên chợ vùng cao” ở Lạc Sơn (Hòa Bình): Đẩy mạnh phát triển du lịch xanh
(TN&MT) - Lễ hội "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao” diễn ra mới đây tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có khoảng 5 vạn người tham dự thu hút kinh tế ở các vùng cao, cũng như phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc.
“Niềm vui trảy hội”
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao huyện Lạc Sơn cho biết: Ngay từ ngày khai mạc đã có hơn 10 ngàn người tham dự. Các ngày sau, thường có từ 7 – 8 ngàn người tham gia. Bà con đi trảy hội rất vui, mang lại nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa, niềm tin cho người dân địa phương.
Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ quán dê ở thị trấn Vụ Bản cho biết: Nhờ có lễ hội mà cả thị trấn vốn “đìu hiu” ở vùng cao, nay đông nghịt khách. Bà con nhân dân từ hơn 20 xã vùng cao, các huyện, các nơi… kéo đến dự hội chợ và đi ngắm ruộng bậc thang Miền Đồi, khiến cho cả huyện Lạc Sơn sôi nổi hẳn lên. Cũng theo anh Dũng, nên duy trì lễ hội thường niên góp phần phát triển kinh tế địa phương…
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình là một trong những sự kiện thường niên quy mô lớn nằm trong chuỗi hoạt động “Tuần lễ văn hoá Du lịch tỉnh Hoà Bình” nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp sinh hoạt văn hoá độc đáo, đặc sắc trong các chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đến với du khách trong và ngoài tỉnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phục vụ nhân dân.
Đồng thời, tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về phong tục tập quán, về ẩm thực, về các hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc, về trang phục truyền thống… của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Hoạt động cũng góp phần tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tới du khách.
Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình là nơi hội tụ của nhiều dân tộc khác nhau như Mường, Thái, H'Mông và nhiều dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều mang đến những nét văn hóa riêng biệt, từ trang phục truyền thống cho đến các phong tục tập quán. Sự đa dạng này không chỉ làm phong phú thêm cho không khí của phiên chợ mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về các nền văn hóa đa dạng của Việt Nam.
Điểm nổi bật của phiên chợ chính là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tay người dân địa phương. Từ những chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu đến những món đồ trang sức bằng bạc tinh xảo, mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn riêng, phản ánh tài năng và sự sáng tạo của người dân nơi đây.
Ngoài ra, các loại nông sản sạch, organic, sản phẩm OCOP còn được bày bán nhiều, thu hút sự quan tâm của khách tham quan và các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác…
“Đa sắc với vùng cao”
Tại buổi diễn ra lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Phiên chợ khẳng định: Phiên chợ được tổ chức quy mô cấp tỉnh, là sự kiện quan trọng có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, giới thiệu sản phẩm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mở rộng hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh và trên cả nước.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh tiếp cận thị trường, tiếp cận người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó có thể phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy khuyến khích giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng, nhất là các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Được biết, lễ hội “Phiên chợ vùng cao” có hơn 100 gian hàng tham gia, chủ yếu: Khu gian hàng nông sản và các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện, thành phố trong tỉnh; Khu vực gian hàng của huyện Lạc Sơn và các xã của huyện; Khu vực ẩm thực; Khu vực chợ quê; Khu vực gian hàng thương mại; Khu vực vui chơi ngoài trời...
Những món ăn đặc trưng như xôi nếp, thịt gà nướng, đồ xào hay các loại bánh truyền thống được mời miễn phí, người chơi hội được thưởng thức các món ăn và tìm hiểu về cách chế biến độc đáo của người dân bản địa. Các hoạt động văn nghệ truyền thống như hát dân ca, múa truyền thống được diễn ra sôi nổi. Đây là cơ hội để người dân thể hiện tài năng, đồng thời giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những âm điệu quen thuộc và điệu múa sống động không chỉ tạo không khí vui tươi mà còn gắn kết cộng đồng.
Đánh giá về “Phiên chợ vùng cao Hòa Bình”, một lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết: Lễ hội không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, thúc đẩy kết nối giao thương xuất khẩu... mà còn giúp củng cố các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng các dân tộc. Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa và văn hóa giữa các dân tộc tại đây đóng góp vào sự phát triển bền vững cùng tinh thần đoàn kết của địa phương.
Đánh thức tiềm năng
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Miền Đồi cho biết: Tại đây có hơn 400ha ruộng bậc thang, nằm trải dài trong nhiều thung của cao nguyên lòng chảo vùng núi. Ruộng xếp từng tầng, từng lớp, nối tiếp theo sườn đồi, thảo nguyên xanh, các dòng suối nước trong veo, không khí trong lành, mát mẻ, những nếp nhà sàn truyền thống trong bản Mường khiến cho có sự khác biệt.
Cũng theo ông Cường, để có những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp tại xã Miền Đồi nhiều thế hệ người dân nơi đây đã đổ không ít mồ hôi, công sức. Nó cũng là nguồn cung cấp lương thực ổn định cho hàng nghìn nhân khẩu sinh sống ở Miền Đồi.
Trong “mùa gặt” cuối tháng 10 vừa qua, huyện Lạc Sơn cũng tổ chức “Lễ hội mừng cơm mới” ở khu ruộng bậc thang. Đây là tập tục văn hóa tín ngưỡng được người dân các vùng Mường ở Hòa Bình còn lưu giữ.
Người dân làm lễ sau vụ thu hoạch lúa mới. Nghi lễ mừng cơm mới được tái hiện với nghi thức đoàn rước, dâng lễ tạ các vị thần 3 anh em thân Kun Khôồng Zòl (Thần bảo trợ nông nghiệp của người Mường) và các vị thần linh bản địa (thần núi, sông, thành hoàng, thổ địa, người có công mở ruộng lập mường.. tại đại phương) và tổ tiên đã bảo trợ cho dân Mường có được vụ mùa tốt tươi… Tại lễ hội, các đại biểu, nhân dân và du khách được chứng kiến màn trình diễn chiêng Mường độc đáo trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng với 500 phụ nữ tham gia, 120 chiêng Mường hòa tấu.
Được biết, sau khi kết thúc tuần lễ “phiên chợ vùng cao Lạc Sơn”, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình nhằm giới thiệu các hoạt động văn hóa đa dạng như triển lãm, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại, hội thảo về phát triển du lịch bền vững cũng như tham gia các tour khám phá thắng cảnh nổi tiếng của Hòa Bình…
Vào tối 15/11, sẽ diễn ra Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà; chiều ngày 16 - 18/11, triển lãm Ảnh nghệ thuật năm 2024; tối 16/11 là Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành. Tiếp đó, chiều ngày 19/11 sẽ có Diễn đàn Nông nghiệp chủ đề: "Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Hòa Bình năm 2024. Tối cùng ngày, sẽ khai mạc Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai…