Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh để giữ biển xanh Quảng BìnhBài 3: Giải pháp xanh thúc đẩy sinh kế xanh
(TN&MT) - Từ trong quá khứ, tuổi thơ tôi gắn liền với những nắm xôi, nắm cơm có mùi lá chuối thơm nồng của mẹ và bẹ cau của bà. Ngày nay với sự phát triển không ngừng của hiện đại hóa, hộp xốp, hộp nhựa dần thay thế các sản phẩm tự nhiên, đặt ra bài toán nan giải về rác thải nhựa, nếu không có giải pháp thay thế thì chẳng mấy chốc nhựa sẽ bao phủ khắp đại dương của chúng ta trong đó có mảnh đất Quảng Bình đầy nắng gió này. Sáng kiến giảm nhựa tạo sinh kế xanh và cải tiến bề mặt sân phơi muối cho diêm dân của chúng tôi đã hình thành từ đó.
Sinh kế xanh? Không khó!
Để thực hiện thí điểm, đầu tiên, chúng tôi đã chọn 5 hộ gia đình kinh doanh đồ ăn sáng trước khu vực cổng trường và 4 hộ gia đình chuyên trồng chuối, trồng cau được tập huấn, hướng dẫn phương pháp làm đĩa, hộp đựng đồ ăn từ nguồn nguyên liệu là lá chuối, lá bàng, bẹ cau thay cho các hộp xốp nhựa. Để thực hiện mục tiêu, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu thực nghiệm cho ra đời những sản phẩm đầu tiên sau quá trình thai nghén. Và để nhân rộng sáng kiến, chúng tôi đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ xã làm công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn cho 5 hộ gia đình kinh doanh đồ ăn sáng và 4 hộ gia đình chuyên trồng chuối, trồng cau ven biển ở địa phương như đã nói trên. Bước thứ hai, chúng tôi tặng các sản phẩm dùng thử được sản xuất từ đĩa, hộp đựng đồ ăn từ lá chuối, lá bàng, bẹ cau và nhận được phản hồi tích cực từ các hộ kinh doanh, đồng thời mong muốn chia sẻ phương pháp làm sản phẩm một cách đơn giản nhất theo các bước.
Các bước sản xuất hộp đựng xanh được chúng tôi thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1: Thu gom nguyên liệu lá chuối, lá bàng, bẹ cau (sản phẩm đảm bảo độ già, dày của các loại lá chuối, lá bàng, bẹ cau); Làm sạch bằng việc rửa để đảm bảo vệ sinh; Bước 2: Phơi héo các sản phẩm lá chuối, lá bàng, bẹ cau để đảm bảo độ dai, bền rồi phân loại lá, bẹ theo kích cỡ; Bước 3: Dùng máy ép theo khuôn ép đĩa, hộp có sử dụng nhiệt ép thành các sản phẩm theo hình của khuôn ép (nhiệt còn đồng thời có tác dụng diệt vi khuẩn, khử nấm mốc); Bước 4: Cắt phần dư thừa của hộp, đĩa theo khuôn mẫu, kích cỡ đã ép sẵn.
Có thể thấy, các bước thực hiện khá đơn giản, sản phẩm có giá thành rẻ có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm hộp xốp nhựa (đĩa từ lá chuối, lá bàng có giá thành 300 đồng/1 cái, hộp đựng từ mo cau có tính năng vượt trội không bị thấm nước với giá thành từ 2,000 đến 4,000/1 chiếc tùy theo kích cỡ và có thể sử dụng nhiều lần) phương pháp làm không đòi hỏi cao về khoa học, kỹ thuật, nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân, vừa tạo sinh kế công ăn việc làm cho một số hộ gia đình ven biển ở địa phương và góp phần vào công tác bảo vệ môi trường,…
Với các ưu điểm vượt trội trên, gần 2 năm triển khai thực hiện, sáng kiến đã góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường bởi đĩa từ lá chuối, lá bàng, mo cau đã thay thế hoàn toàn đĩa nhựa, hộp xốp nhựa của các hộ gia đình bán đồ ăn sáng trước khu vực cổng trường. Bình quân 1 buổi học sinh đến trường như vậy đã giúp giảm được 745 chiếc đĩa, hộp xốp từ nhựa thải ra môi trường biển, thúc đẩy các hộ gia đình trồng chuối, trồng cau ngày càng mở rộng diện tích cây trồng, tạo sinh kế cho người dân ven biển.
Tăng sản lượng muối và câu chuyện tuần hoàn rơm, rạ
Sáng kiến cải tiến bề mặt sân phơi muối cho diêm dân giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống của các diêm dân vùng sản xuất ven biển Quảng Phú cũng được đánh giá đã góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường biển, bởi muốn có nguồn muối sạch thì vấn đề đầu tiên là phải có nguồn nước biển sạch, muốn làm được như vậy thì tất cả các lực lượng trong xã hội phải chung tay bảo vệ môi trường tạo nên vùng sản xuất liên hoàn sạch lúa - muối - thủy hải sản trong phát triển kinh tế biển, giúp người dân có nguồn sinh kế ổn định trước yêu cầu phát triển bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vận dụng nguyên tắc Vật lý màu đen là màu có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt nhất trong tất cả các màu sắc, tôi đã thử nghiệm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương là than rơm, rạ làm nghiên cứu thực nghiệm cải tiến bề mặt sân bê tông truyền thống màu bạc thành sân bê tông màu đen theo các bước như sau:
Bước 1: Thu gom rơm, rạ phơi khô (trước kia người dân thường vứt bỏ, đốt lộ thiên, xả khói bụi gây nên tình trạng ô nhiễm không khí); Bước 2: Đốt rơm, rạ trong môi trường yếm khí (tức là môi trường cháy không có ô xi, đốt trong các thùng phi có nắp đậy hoặc là các bi đổ bằng bê tông có nắp đậy, với phương pháp đốt này sẽ hạn chế được 95% đến 98% khói, bụi mịn như CO, CO2, CH4… đây là những chất, khói, khí gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính và làm ô nhiễm không khí ở địa phương sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa.
Sau các bước trên, chúng tôi tiến hành cải tiến bề mặt sân bê tông theo các bước. Bước 1: Làm sạch bề mặt sân bê tông; Bước 2: Trộn xi măng với than rơm, rạ đã xay mịn có kích thước tương đương hạt xi măng theo tỉ lệ 3 xi măng, 1 than
về mặt khối lượng để đảm bảo không bị bong tróc trong quá trình thu gom muối; Bước 3: Hòa xi măng và than rơm, rạ đã xay mịn với một lượng nước vừa đủ, dùng chổi nhúng và quét lên bề mặt sân bê tông. Bước 4: Để khoảng 12 tiếng cho
mặt sân bê tông khô, sau đó rửa sạch bề mặt sân bê tông và đo nhiệt độ ở bề mặt sân bê tông. Bước 5: Đổ cùng lượng nước muối lên hai sân bê tông, theo dõi tốc độ bay hơi nước và quá trình kết tinh. Bước 6: Thay đổi lượng nước muối đưa vào ô thực nghiệm, cân lượng muối thu được ở hai ô thực nghiệm và đối chứng trong cùng điều kiện nhiệt độ và thời gian.
Bảng 2: Đo độ mặn của ô làm thực nghiệm
TT | Nhiệt độ trung bình môi trường (0C) | Nhiệt độ mặt sân bê tông đối chứng (0C) | Nhiệt độ mặt sân đối chứng thực nghiệm (0C) |
1 | 36 | 37,5 | 39 |
2 | 37 | 39,5 | 42,5 |
3 | 38 | 41 | 45 |
Phân tích số liệu bảng 2
Bảng số liệu số 2 cho thấy, khả năng hấp thụ nhiệt của bề mặt sân bê tông màu đen tốt hơn so với bề mặt sân bê tông truyền thống màu bạc. Khi nhiệt độ môi trường càng cao thì mức độ chênh lệch nhiệt độ giữa hai bề mặt sân bê tông càng xa;
Bảng 3: Tốc độ bay hơi nước của ô đối chứng và ô thực nghiệm
TT | Nhiệt độ trung bình môi trường (0C) | Lượng nước đổ vào (lít) | Thời gian bắt đầu | Thời gian cạn hết nước | |
Ô đối chứng | Ô thực nghiệm | ||||
1 | 36 | 25 | 6 giờ sáng | 4h30’ | 3h15’ |
2 | 37 | 30 | 6 giờ sáng | 4h15’ | 2h45’ |
3 | 38 | 40 | 6 giờ sáng | 4h45’ | 2h30’ |
Phân tích số liệu bảng 3
Số liệu bảng 3 cho thấy, với cùng một lượng nước nguyên liệu làm muối đổ vào thì tốc độ bay hơi nước của ô có bề mặt màu đen nhanh hơn ô có bề mặt màu bạc truyền thống, điều đó chứng tỏ khi nhiệt độ bề mặt cao hơn thì tốc độ bay hơi nước của nước muối nhanh hơn;
Bảng 4: Lượng nước đổ vào và lượng muối thu được
TT | Nhiệt độ trung bình môi trường | Thời gian bay hơi (giờ) | Độ mặn (độ) | Ô đối chứng | Ô thực nghiệm | ||
Lượng nước muối (lít) | Lượng muối (kg) | Lượng nước muối (lít) | Lượng muối (kg) | ||||
1 | 36 | 11(6h-16h) | 15 | 25 | 5,5 | 30 | 6,5 |
2 | 37 | 11(6h-16h) | 15 | 30 | 6,4 | 38 | 8,16 |
3 | 38 | 11(6h-16h) | 15 | 35 | 7,5 | 46 | 10,02 |
Phân tích số liệu bảng 4
Số liệu bảng 4 cho thấy khi chúng ta cố định về thời gian và ở một khoảng nhiệt độ nhất định, để cho lượng nước trong hai ô cạn ở mức độ như nhau đảm bảo cho quá trình thu gom muối ăn thì lượng nước muối cần đổ vào ô thực nghiệm nhiều hơn ô đối chứng. Lượng muối thu được trong ô thực nghiệm năng suất tăng từ 20% đến 30% so với ô đối chứng; Về chất lượng, muối ở ô thực nghiệm đóng hạt to hơn, trắng hơn so với muối trên bề mặt sân bê tông truyền thống màu bạc, chất lượng an toàn là muối sạch đã được kiểm định của các cơ quan chức năng.
Thành công của sáng kiến đã được Hợp tác xã muối Quảng Phú đón nhận. Với tư cách là Tác giả ý tưởng – Chủ nhiệm dự án, tôi đã ký Biên bản làm việc với HTX trong việc áp dụng và nhân rộng mô hình này.
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc HTX muối Quảng Phú Lê Quý Đức cho biết: “Thông qua hoạt động ký kết, Hợp tác xã mong muốn nhân rộng phương pháp cải tiến bề mặt sân bê tông từ nguồn than rơm rạ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tang năng suất muối, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững”.
Lê Thị Hảo
Giáo viên Trường THCS Quảng Phú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Bài cuối: Những tín hiệu vui và bài học kinh nghiệm