Khoáng sản

Quảng Trị có 35 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Thanh Tùng 10/12/2024 - 20:40

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cho biết, tính đến tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh có 35 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), trong đó có 12 giấy phép khai thác đá, 13 giấy phép khai thác cát, sỏi và 10 giấy phép khai thác đất.

Cụ thể, 12 giấy phép khai thác đá làm VLXDTT có diện tích 126,92 ha, trữ lượng 21.462.730 m3, công suất 1.384.520 m3/năm; 13 giấy phép khai thác cát, sỏi có diện tích 103,47 ha, trữ lượng 2.407.530 m3, công suất 248.000 m3/năm; 10 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp có diện tích 189,22 ha, trữ lượng 13.851.870 m3, công suất 1.320.000 m3/năm.

dji_0607.jpg
Tính đến tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh có 35 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Trong tổng số 35 giấy phép do UBND tỉnh cấp có 26 điểm mỏ đang hoạt động, bao gồm: Đá làm VLXDTT có 7 điểm mỏ, tổng diện tích 63,68 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 7.459.792 m3, công suất khai thác 749.520 m3/năm; Cát, sỏi làm VLXDTT có 11 điểm mỏ, tổng diện tích 100,3 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 2.199.664 m3, công suất khai thác 228.000 m3/năm; Đất làm vật liệu san lấp có 8 điểm mỏ, tổng diện tích 152,38 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 10.912.140 m3, công suất khai thác 1.173.333 m3/năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh cấp 3 giấy phép khai thác đất san lấp trong diện tích đầu tư xây dựng công trình (2 huyện Cam Lộ; 1 huyện Vĩnh Linh) với tổng khối lượng 447.561 m3 đất, công suất trung bình 223.780 m3 đất /năm.

Có 3 mỏ đá được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp đi kèm, gồm mỏ đá Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp là 1.548.069 m3; mỏ đá bazan Khe Đá (Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh) có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp là 477.700 m3; mỏ đá Nam Khối A (Cam Thành, Cam Lộ) có trữ lượng đất là 405.000 m3; tổng trữ lượng được cấp phép: 2.430.769 m3, công suất khai thác 210.857 m3/năm.

Bên cạnh đó, Quảng Trị có 9 điểm mỏ chưa đi vào hoạt động, gồm 5 điểm mỏ đá do chưa hoàn thành thủ tục thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; 2 điểm mỏ cát sỏi do chưa hoàn thành bãi tập kết và đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan trước khi tiến hành khai thác; 2 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo quy định…

So với thời điểm tháng 11/2023, đến tháng 11/2024, số lượng mỏ VLXDTT tại Quảng Trị được cấp phép tăng 10 mỏ (3 mỏ đá, trong đó có 2 mỏ đá kèm đất; 2 mỏ cát sỏi; 5 mỏ đất); tăng 159 ha; trữ lượng tăng 19,768 triệu m3; công suất tăng 1,487 triệu m3.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, quá trình quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn thời gian qua còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số quy định của Luật, các Nghị định còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn như: Luật Khoáng sản quy định tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ quá cao đối với các mỏ khai thác VLXDTT, khai thác lộ thiên, không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chưa ban hành quy định cụ thể về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Mặt khác, vệc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện. Theo báo cáo của các doanh nghiệp thì việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát còn khá mới, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc thực hiện.

Ngoài ra, Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Chính phủ, Bộ chưa có hướng dẫn về việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mà chủ đầu tư không sử dụng cát thu hồi trong quá trình nạo vét và bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Từ những vướng mắc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo các Sở ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ cấp chủ trương đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ VLXDTT.

Chỉ đạo UBND các huyện thực hiện việc rà soát bổ sung các điểm mỏ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng đảm bảo cho nhu cầu cũng như việc triển khai đồng bộ. Chỉ đạo ngành giao thông vận tải và các địa phương xem xét, rà soát nâng tải trọng các tuyến đường vận chuyển kết nối vào các điểm mỏ. Các doanh nghiệp cam kết, phối hợp với chính quyền địa phương duy tu, sửa chữa các tuyến đường đảm bảo vận chuyển cho khai thác cũng như đi lại của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị có 35 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO