TP. Huế: Cụm công nghiệp An Hòa ngập trong nước, người dân và doanh nghiệp “than thở”
(TN&MT) - Những năm qua, cứ vào mùa mưa lũ hay mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở Cụm công nghiệp An Hòa (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) ngập chìm trong nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, người lao động và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cụm công nghiệp (CCN) An Hòa là CCN duy nhất đóng trên địa bàn TP. Huế, thành lập từ năm 2014 trên cơ sở CCN làng nghề Hương Sơ, được quy hoạch với diện tích 48 ha, quỹ đất này nhằm di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư nội thành, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Huế và ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề công nghiệp, sản xuất lắp ráp các linh kiện điện tử, may mặc, cơ khí chế tạo, mộc dân dụng, giấy…
Đến nay, tại CCN An Hòa có 48 dự án của 39 doanh nghiệp, do Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp TP. Huế quản lý, trong đó có 46 dự án đã đi vào hoạt động và 2 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. Ngoài ra, có 3 dự án được tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp cho thuê đất; qua đó đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp ngân sách lớn cho TP. Huế.
Dù đã được đầu tư hạ tầng và hoạt động từ lâu nhưng tại CCN An Hòa vẫn xảy ra không ít bất cập, trong đó phóng viên nhận được phản ánh của nhiều người lao động và doanh nghiệp đang hoạt động tại đây về tình trạng ngập nước kéo dài mỗi khi có mưa lớn.
Là công nhân làm việc tại một nhà máy trong CCN An Hòa đã nhiều năm, chị N. (trú TP. Huế) nói, mỗi khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày và đặc biệt là mùa mưa lũ khoảng tháng 10, tháng 11 đến, nhiều tuyến đường trong CCN như “biến thành sông”, bởi nước ngập sâu có khi hơn cả mét. Các phương tiên không thể di chuyển được, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.
“Việc ngập úng cũng nhiều năm rồi, muốn vào được công ty, nhà máy để đi làm hay họp hành phải lội nước bì bõm, xe cộ thì phải để từ xa, đi gửi”, chị N. chia sẻ.
Trong khi đó, một chủ doanh nghiệp đang hoạt động tại CCN An Hòa cho hay, việc ngập lụt ở đây đã thành thói quen, nước thường xuyên “tấn công” vào bên trong trụ sở các công ty khiến ai ai đi làm cũng vất vả. Không những thế khi có lũ lớn, ngập sâu đã làm hư hỏng máy móc, hàng hóa, thiệt hại lớn về tài sản. Vị này cũng nói thêm rằng cộng đồng doanh nghiệp tại CCN An Hòa đã nhiều có ý kiến lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết tình trạng này, thế nhưng mọi thứ vẫn không có gì tiến triển.
Trong mùa mưa năm nay, phóng viên đã đến CCN An Hòa để ghi nhận thực tế và nhận thấy những gì người dân, doanh nghiệp phản ánh là đúng.
Ông Lê Phước Thành, Chủ tịch UBND phường An Hòa xác nhận tình trạng ngập lụt trong những năm qua tại CCN An Hòa và cho rằng, cốt nền của cụm công nghiệp thấp, thường xuyên ngập lụt nên người dân, doanh nghiệp ở đây luôn “kêu trời”, đã có rất nhiều tâm tư gửi đến phường và thành phố. Phường cũng kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp chủ động ứng phó mỗi khi mưa lớn và mùa lũ, đồng thời kiến nghị lên cấp trên có giải pháp phù hợp nhất.
Liên quan đến sự việc, lãnh đạo UBND TP. Huế thông tin, nguyên nhân ngập lụt như hiện tại là do tốc độ đô thị hóa nhanh kết hợp với các dự án quy hoạch và đang đầu tư hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực nội thành của kinh thành Huế, nhất là hệ thống các kênh mương thoát lũ đang trong quá trình đầu tư nên chưa được hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy hoạch nên mức độ lưu thông và thoát lũ chậm, dẫn đến tình trạng tại CCN An Hòa ngập sâu, kéo dài so với trước đây nhất là khu vực dọc đường số 3. Việc ngập úng gây khó khăn đến việc lưu thông đi lại của công nhân, người lao động và vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, đã ảnh hưởng đến việc gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; làm thiệt hại tài sản của doanh nghiệp.
Hiện nay TP. Huế đã có chủ trương và đang thực hiện đầu tư khu dân cư khu vực tiếp giáp với CCN An Hòa, theo quy hoạch khi đầu tư khu dân cư này sẽ tiếp tục đầu tư đoạn còn lại của đường số 2 của CCN đến tiếp giáp với đường số 6 hiện nay đã đầu tư. Khi đường số 2 được đầu tư hoàn thiện thì sẽ đảm bảo việc lưu thông đi lại của công nhân, người lao động và vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp có nhà máy ở khu vực đường số 6,7,8 khi có ngập úng vào mùa nưa lũ sẽ lưu thông trên tuyến đường số 2 này để vào khu vực đường số 6,7,8 (vì hiện nay các doanh nghiệp có nhà máy ở khu vực đường số 6,7,8 chỉ lưu thông đi qua duy nhất đường số 3 để vào, hiện nay đường số 3 của CCN thường ngập sâu so với các tuyến đường khác khi vào mùa mưa lũ).
“Trong thời gian đến khi thành phố đầu tư hạ tầng khu vực dân cư phía Bắc sẽ quan tâm đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các hệ thống các kênh mương, nhất là hệ thống kênh mương có chức năng đảm bảo thoát lũ tốt, đảm bảo mức độ, lưu lượng thoát lũ nhanh và phải đảm bảo việc kết nối lưu thông giữa hệ thống các kênh mương của hạ tầng khu vực dân cư phía Bắc với hệ thống kênh mương, sông, hói hiện hữu ở khu vực này”, ông Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết.
Thiết nghĩ, để tình trạng ngập úng kéo dài như kể trên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người lao động và thu hút đầu tư kinh doanh, lấp đầy diện tích tại CCN An Hoà. Thiết nghĩ cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc, nhất là trong bối cảnh Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025.
Theo Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp TP. Huế, tính đến nay trải qua 3 đợt 1,2,3 của Dự án Hạ tầng kỹ thuật CCN An Hòa giai đoạn 9, tổng diện tích đã thu hồi để đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 375.745,4 m2/480.000 m2 (78,28 %); diện tích đất đã cho thuê lại là 264.452,49 m2/290.830,39 m2 diện tích đất đủ điều kiện cho thuê lại, đạt tỷ lệ 90,093 %, diện tích đất đủ điều kiện cho thuê còn trống 26.377,90 m2 (dành để UBND tỉnh xúc tiến đầu tư). Trung tâm sẽ tiếp tục đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng công trình Hạ tầng kỹ thuật CCN An Hòa giai đoạn 9 - đợt 4 với diện tích 16.698 m2 và đã được HĐND TP. Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật CCN An Hòa giai đoạn 10 (đợt 2) với diện tích là 27.900 m2.