Hà Nội: Tái thiết thị trường bất động sản
(TN&MT) - Nhiều dự án đất vàng của các “đại gia” bất động sản tại Hà Nội vừa bị chính quyền thành phố ra quyết định thu hồi. Đây là động thái mạnh mẽ của TP. Hà Nội đối với những dự án chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai.
Quyết liệt thu hồi dự án chậm triển khai
Ngay những ngày đầu năm 2025, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định thu hồi ô đất vàng 3.500m2 tại 275 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội và 4.000m2 tại Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và 1 ô đất vàng mặt đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), giao Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội đang quản lý. Đây chỉ là 3 dự án trong số hàng trăm dự án chậm triển khai, dự án có sai phạm được thành phố quyết liệt lên kế hoạch thu hồi lại để đưa đất vào sử dụng cho các kế hoạch mới của thành phố hoặc đưa vào để đấu giá đất góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, các dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hằng năm tại nhiều nơi còn yếu; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn... Thành phố xác định có gần 800 dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, đa số các dự án đã chậm tiến độ hơn 10 năm. Đã có nhiều dự án được thành phố tập trung tháo gỡ, vận hành lại. Cũng có nhiều dự án vì lý do khách quan không thể triển khai thì bị TP. Hà Nội thu hồi.
Những động thái quyết liệt của Lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn cung của thị trường bất động sản hiện nay. Do thực trạng nguồn cung nhà ở tại Thủ đô khan hiếm dẫn đến giá tăng mạnh. Trong khi các dự án xin đất làm dự án tiếp tục bỏ hoang, gây lãng phí. Sau khi thu hồi các dự án này thành phố sẽ có quỹ đất rất lớn. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đã hủy hơn 100 dự án, thu hồi lại đất để làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng nghìn ha đất. Nếu xử lý triệt để và tái thiết lại được các dự án này, nguồn cung sẽ dồi dào, giá nhà tại thành phố sẽ giảm xuống, phù hợp với thu nhập của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, các dự án "treo" đang gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế và các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ. Do đó, ông Đính kỳ vọng, khi hành lang pháp lý hoàn thiện hơn sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản, đặc biệt Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành sớm thì cơ hội sẽ càng rõ nét hơn.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản (Hiệp hội bất động sản Việt Nam), cho biết: Luật Đất đai 2013 và mới đây là Luật Đất đai 2024 đã có quy định rõ ràng đối với các dự án đất đai, các chủ đầu tư có trách nhiệm phải đưa đất đai vào sử dụng, nếu chậm trong thời gian 24 tháng so với tiến độ thực hiện thì dự án sẽ bị thu hồi. Các doanh nghiệp buộc phải đưa đất đai vào sử dụng để khai thác giá trị thương mại. Nếu các dự án để hoang như hiện nay gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí rất lớn tài sản Nhà nước.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là quyết tâm của các địa phương trong xử lý dứt điểm các dự án bỏ hoang. Nếu những khu đất có vị trí đắc địa này được sử dụng kịp thời, đúng mục đích sẽ khơi thông nguồn lực đất đai. Thay bằng sự hoang hóa sẽ là những không gian công cộng hay trường học hoặc khu đô thị, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thủ tục thực hiện dự án sẽ được tinh gọn
Sự đồng bộ về luật pháp và quyết tâm cải tổ bộ máy hành chính của Nhà nước đang tạo ra kỳ vọng lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Lâu nay, việc thực hiện 1 dự án phải thông qua 30 - 40 thủ tục hành chính đã trở thành rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải "đầu hàng", không dám thực hiện. Kỳ vọng, sau khi Nhà nước quyết định tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại nhiều bộ, ngành liên quan thì việc thực hiện các thủ tục pháp lý sẽ nhanh, gọn, nhẹ, hiệu quả hơn so với trước đây.
Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhìn nhận, đây là cơ hội lớn không phải riêng của lĩnh vực bất động sản mà còn là của nhiều lĩnh vực khác. Thực tế, đây là cơ hội cho tất cả các lĩnh vực, giúp cho đơn giản hóa các thủ tục. Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, đơn giản hoá thủ tục sẽ góp phần triển khai thủ tục dự án nhanh hơn nhiều. Đối với việc phân cấp phân quyền rõ ràng từ Trung ương tới địa phương, thì các địa phương phải thích ứng với bộ máy mới, chức năng nhiệm vụ mới. Ví dụ: Việc thẩm tra, thẩm định các dự án cấp 1 trước đây là ở Trung ương, nhưng bây giờ địa phương phải chuẩn bị bộ máy, con người để thẩm định các dự án đó. Khi chúng ta tổ chức tốt, có bộ máy tốt sẽ giúp cho các dự án BĐS triển khai nhanh hơn, dẫn tới tăng được các nguồn cung cho BĐS.
Ông Trần Như Trung - Tổng Giám đốc Công ty BĐS One Mount kỳ vọng: “Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ khác với năm 2024 ở điểm, quy mô tham gia ở thị trường sẽ lớn hơn. Năm 2024 chỉ có bất động sản ở TP. Hà Nội, TP.HCM, một phần TP. Hải Phòng nóng, còn năm 2025 sẽ phát triển mở rộng, khi TP.HCM khởi động mạnh, tạo ra tín hiệu, lan tỏa trên cả nước.
Năm 2025, tín hiệu các thị trường cũng được phát triển, tôi cho rằng năm 2025 là năm đại dự án. Trước đây liên quan đến hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng nên doanh nghiệp còn chờ đón, nghe ngóng. Nhưng, giờ hành lang pháp lý đã rõ ràng, thì các nhà đầu tư đầu tư lớn sẽ mở rộng, từ Nam ra Bắc. Các đại dự án xuất hiện cải thiện nguồn cung.