Hà Nội: Cấp 11.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn mã QR
(TN&MT) - Sau 1 tháng triển khai, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã cấp khoảng 11.000 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở có gắn mã QR cho người dân.
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tình – Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết: thực hiện Luật Đất đai 2024, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã chủ động làm việc với các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đặc biệt là Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT) để chuẩn bị hạ tầng, dữ liệu để cấp Giấy Chứng nhận. Được sự hỗ trợ của Bộ TN&MT và Sở TN&MT Hà Nội, Văn phòng đã triển khai in đồng loạt giấy chứng nhận gắn mã QR trên 28 Chi nhánh và Văn phòng trung tâm. Văn phòng đã chuẩn bị phôi giấy cấp cho 30 quận, huyện theo chỉ đạo của Sở TN&MT. Từ đầu năm 2025 đến nay, trong vòng 1 tháng, Văn phòng đã cấp 11 nghìn Giấy Chứng nhận gắn mã QR. Công việc in và cấp Giấy Chứng nhận gắn mã QR diễn ra thuận lợi.
Theo thông tư 10/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trong đó có nội dung quy định về mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) để cấp cho người sử dụng đất. So với mẫu Giấy chứng nhận trước đây thì Mẫu Giấy Chứng nhận lần này có một số điểm mới.
1- Tên gọi mới "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" ngắn gọn nhưng đảm bảo được phạm vi bao quát là đất đai và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai;
2- Kích thước của Giấy chứng nhận lần này nhỏ gọn hơn, theo khổ giấy thông dụng A4.
3- So với nội dung thể hiện trên Giấy Chứng nhận trước đây thì quy định mới chỉ thể hiện những thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản; thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất; thông tin về sơ đồ, tọa độ vị trí của thửa đất; một số thông tin để người được cấp Giấy Chứng nhận cần biết và ghi nhận về việc thực hiện quyền của người được cấp Giấy chứng nhận.
4- Bổ sung mã QR code và mã Giấy Chứng nhận;
5- Bỏ quy định về trang bổ sung của Giấy Chứng nhận.
![huong-dan-viec-tao-ma-qr-cua-mau-so-do-tu-nam-2025_0601081859.jpg](https://btnmt.1cdn.vn/2025/01/08/huong-dan-viec-tao-ma-qr-cua-mau-so-do-tu-nam-2025_0601081859.jpg)
Ông Mai Văn Phấn – Cục trưởng Cục đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, mẫu Giấy Chứng nhận mới thể hiện tính truyền thống đã vào tiềm thức của người dân khi nhìn vào Giấy Chứng nhận được trang trọng, mỹ quan, thanh thoát nhưng cũng từng bước để người dân tiếp cận với công nghệ, thiết bị thông minh để hiện đại hóa ngành quản lý đất đai. Về mẫu Giấy Chứng nhận mới có in mã QR Code thể hiện các thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất và tài sản gắn liền với đất.
Các thông tin trên Giấy Chứng nhận và các thông tin khác có liên quan người dân có thể tra cứu phản hồi thông qua mã QR code hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công của các địa phương hoặc đề nghị cung cấp thông tin tại cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, mã QR code là để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản hoặc người có liên quan có thể kiểm chứng thông tin và quá trình biến động khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo ông Phấn, trong thực tế, có tình trạng làm giả Giấy Chứng nhận tại một số địa phương, làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng như các đối tượng khác có liên quan, làm bất ổn tình hình an ninh, trật tự.
Vì vậy, mẫu Giấy Chứng nhận mới được thiết kế tăng cường các yếu tố bảo mật, bảo an, bổ sung các yếu tố chống giả đóng và chống giả mở (chống giả đóng là chỉ cơ quan phát hành phôi Giấy Chứng nhận mới có thẩm quyền xác thực; chống giả mở là yếu tố để các đối tượng có liên quan có thể xác thực trực quan), cho phép người dân có thể tra cứu, xác thực thông tin trực tiếp của Giấy Chứng nhận với cơ quan có thẩm quyền.
Cơ sở dữ liệu về đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện, vận hành, kết nối, liên thông nên các thông tin trên Giấy Chứng nhận là các thông tin cơ bản để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ.
Các thông tin khác về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất, tài sản gắn liền với đất được lưu trữ, khai thác thông qua mã QR code và trong cơ sở dữ liệu về đất đai, được cung cấp khi có yêu cầu.