Biến đổi khí hậu

Nhiều giải pháp xử lý các vùng có nguy cơ sạt lở ở Lạng Sơn

Hoàng Nghĩa 18/02/2025 - 14:45

(TN&MT) - Sở TN&PTNT Lạng Sơn đề xuất UBND tỉnh này hàng loạt giải pháp xử lý các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn.

Theo Sở TN&PTNT, qua tổng hợp theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 77 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao với số hộ bị ảnh hưởng và phải di dời là 829 hộ; số điểm, vùng bị ngập lụt trên 35 điểm với số hộ bị ảnh hưởng là trên 2.464 hộ thuộc 11 huyện, thành phố.

Qua kiểm tra tại các điểm sạt lở, ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3 cho thấy, hiện trạng các điểm sạt lở với mức độ khác nhau, một số điểm đã xảy ra sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân cũng đã được UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xử lý tạm thời. Một số điểm hiện nay vẫn thấy rõ các vết nứt tiếp tục có nguy cơ sạt lở đất tiếp nếu mưa lớn xảy ra tại các vị trí đó và có nhiều điểm sạt lở nhỏ lẻ, không tập chung, rải rác nhiều vị trí... Qua kiểm tra thực tế cũng chỉ đánh giá thực địa bằng mắt thường, do vậy cũng chưa phản ánh thực chất về diễn biến cũng như mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm đối với các điểm có nguy cơ sạt lở cao.

img_20240724_154804.jpg
Khu vực xuất hiện các vết nứt tại Km27+400 bên trái tuyến đường ĐT.237, thuộc thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình
img_20240724_154706.jpg

Về công tác khảo sát đánh giá về địa chất, thổ nhưỡng, thảm thực vật còn hạn chế, do chưa có kinh phí để thực hiện. Do vậy cần phải có đơn vị tư vấn triển khai điều tra đồng bộ hiện trạng sạt lở đất sử dụng tổ hợp các phương pháp như: khảo sát địa chất, địa vật lý, khoan lấy mẫu, phân tích độ bền của đất, các yếu tố tác động và xác định các khu vực chịu ảnh hưởng nếu xảy ra sạt lở đất để có các giải pháp tiếp theo mang tính ổn định lâu dài...

Từ kết quả kiểm tra, khảo sát thực tế một số điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo của các huyện, thành phố Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp trước mắt như: Đối với các điểm sạt lở, ngập lụt đã xảy ra, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá, thống kê thiệt hại, đề xuất và thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Đối với các điểm nguy cơ sạt lở cao cần tiến hành công tác tạm thời di dời dân ra khỏi vùng không an toàn; lắp đặt các biển cảnh báo, hướng dẫn để bảo đảm an toàn cho người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt trong mùa mưa, lũ; Cần triển khai tuyên truyền, phổ biến về hiện tượng sạt lở đất, hạn chế người dân qua lại khu vực có nguy cơ sạt lở. Đặt các biển cảnh báo, hạn chế người qua lại đặc biệt vào thời điểm mùa mưa, lũ để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.

Theo Sở NN&PTNT Lạng Sơn hiện nay nguồn vốn từ Quỹ cứu trợ tỉnh còn dư khoảng 38 tỷ đồng, Sở đề xuất UBND tỉnh đề xuất với Ủy ban MTTQ tỉnh sử dụng từ nguồn kinh phí này để khắc phục những điểm sạt lở cấp bách đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với các dự án khác cần nguồn kinh phí lớn đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các Sở Tài chính, KH&ĐT nghiên cứu đề xuất các nguồn vốn khác để khắc phục.

Đối với điểm có nguy cơ sạt lở nhỏ lẻ, không tập trung, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp đề xuất thực hiện theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2025.

Đối với các điểm chưa thật sự cấp bách mà tiếp tục có nguy cơ sạt lở, đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, cắm biển cảnh báo, có phương án di dời khi có tình huống xảy ra đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân...

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, sớm triển khai điều tra hiện trạng sạt lở đất sử dụng tổ hợp các phương pháp: khảo sát địa chất, địa vật lý, khoan lấy mẫu, phân tích độ bền của đất và tính toán đới chịu ảnh hưởng nhằm xác định chính xác đới xung yếu, khống chế chính xác chiều sâu cung trượt, đánh giá đúng nguyên nhân, các yếu tố tác động và xác định các khu vực chịu ảnh hưởng nếu xảy ra sạt lở đất để có các giải pháp tiếp theo;

20250218_112424.jpg
Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương đặt các biển cảnh báo, hạn chế người qua lại tại các điểm có nguy cơ sạt lở, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa, lũ để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các phương án thoát lũ cho các vùng úng ngập, đặc biệt là các vùng trũng của huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn là những nơi mà có địa hình núi đá, việc thoát nước chủ yếu qua các hang Caster... Đối với các dự án đã được phân bổ kinh phí cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đảm bảo sớm đi vào hoạt động, ổn định dân cư...

Liên quan đến nội dung này, theo văn bản số 769/VP-KT của Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh đã nhất trí với đề xuất của Sở NN&PTNT đồng thời giao Sở dự thảo văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các biện pháp xử lý các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn toàn tỉnh cả về trước mắt và lâu dài, hoàn thành báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 25/2 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp xử lý các vùng có nguy cơ sạt lở ở Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO