Hà Nội: Đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng

Phạm Oanh| 20/05/2021 18:28

(TN&MT) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố Hà Nội năm 2021. Kế hoạch này đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng

UBND thành phố xác định rõ, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Để công tác này đạt hiệu quả, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã có rừng của thành phố tăng cường tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng đến các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp ủy, chính quyền cấp xã có rừng, các chủ rừng, hộ gia đình, tổ chức, người dân sống trong rừng, ven rừng thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp.

Trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, UBND các cấp có rừng và chủ rừng xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phương án huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra đối với diện tích rừng trên địa bàn quản lý…

Các địa phương có rừng đều phải xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng

Chỉ đạo UBND cấp xã có rừng và các chủ rừng là tổ chức bố trí lực lượng trực tại các vị trí dễ xảy ra cháy rừng, các vị trí có lượng người qua lại nhiều, các khu vực di tích lịch sử trong rừng để hướng dẫn người dân, du khách cảnh giác khi sử dụng lửa, kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.

Đồng thời, căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong năm, các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có trách nhiệm bố trí lực lượng tổ chức trực phòng cháy rừng 24/24 tại tất các trụ sở thuộc Chi cục được giao quản lý trong thời gian các tháng cao điểm dễ xảy cháy rừng đồng thời thông tin cấp dự báo cháy rừng theo ngày, tuần, các khu vực nguy có cháy cao và các vụ cháy rừng cho chính quyền các cấp và chủ rừng, các lực lượng chuyên ngành triển khai lực lượng kịp thời chữa cháy.

Kiên quyết xử lý các sai phạm

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các lực lượng như: lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội phải phối hợp trong tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ rừng.

Trong khi đó, UBND cấp huyện (có rừng) xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giao rõ trách nhiệm các phòng, ban, đơn vị, bảo đảm các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng được xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định (đặc biệt các điểm nóng như: Sóc Sơn, Ba Vì.., các khu vực chồng lấn).

Đồng thời, rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sai mục đích, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án.

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn mình quản lý. Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp trái pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO