Biến đổi khí hậu

Nam Trà My (Quảng Nam): Bảo vệ rừng từ phát triển cây dược liệu

Lan Anh (thực hiện) 22/04/2024 - 19:16

(TN&MT) - Nam Trà My là địa phương có hệ sinh thái và rừng nguyên sinh đa dạng thuộc bậc nhất của tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, rừng được chính quyền và người dân địa phương bảo tồn nghiêm ngặt với độ che phủ rừng hơn 68% và tiếp tục tăng lên nhờ chú trọng phục hồi rừng. Từ rừng, những vườn cây dược liệu được trồng mở rộng và phát triển, đã mang lại sinh kế bền vững cho người dân, góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai và bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh.

PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) để hiểu rõ hơn về định hướng giảm nghèo gắn với bảo vệ rừng của địa phương:

tranduydung.jpg
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)

PV: Thưa ông, là một địa phương có tài nguyên rất lớn về rừng và cây dược liệu, xin ông cho biết hiện nay công tác bảo vệ rừng và phát triển cây dược liệu tại địa phương đang được triển khai như thế nào?

Ông Trần Duy Dũng: Phát triển cây dược liệu gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng được huyện Nam Trà My đặc biệt quan tâm, chú trọng, là định hướng mang tầm chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững.

Đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, địa phương có hơn 40.177,09 ha rừng tự nhiên cung ứng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), huyện Nam Trà My đã tuyển dụng, ký kết hợp đồng 224 người vào lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, được bố trí tại 23 chốt trên địa bàn 10 xã và Tổ bảo vệ rừng và PCCC rừng cơ động; đầu tư xây dựng 10 Chốt bảo vệ rừng trên địa bàn các xã. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai trồng rừng mới với diện tích 5.973,1ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 59,33%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 62%.

Trong thời gian qua, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dựa vào rừng đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc giảm nghèo bền vững, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng cũng được nâng cao, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của chính quyền địa phương đã đạt nhiều kết quả.

Đối với các loại cây dược liệu, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu và Sâm Ngọc Linh (Mới nhất là Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND, ngày 21/4/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Về quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025).

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực tự có, Nhân dân 10/10 xã đã tích cực bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu, như: sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, đảng sâm, đương quy, lan kim tuyến, giảo cổ lam... Đến nay, có trên 2.000 hộ tham gia trồng và phát triển cây dược liệu, với diện tích trên 400 ha cây dược liệu các loại (trừ sâm Ngọc Linh và quế: gần 9.000 ha). Ngoài ra, Địa phương đang tích cực khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác.

namtramy1.jpg
Nam Trà My xác định công tác bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội.

PV: Với việc phát triển nguồn tài nguyên rừng và từ cây dược liệu, cây sâm, tình hình kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân đã được cải thiện thế nào, thưa ông?

Ông Trần Duy Dũng: Có thể khẳng định, với những giá trị đích thực từ Sâm Ngọc Linh mang lại, đã đưa giá trị kinh tế sản phẩm cây Sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao. Giá cây giống Sâm Ngọc Linh loại 01 năm tuổi từ chổ chỉ khoảng 50.000đ/cây đến nay đã tăng lên 300.000đ/cây; giá Sâm Ngọc Linh củ các loại bình quân từ 50- 75 triệu/kg; loại đặc biệt có giá vài trăm triệu đồng/kg; mỗi hec-ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng, cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm.

Nhờ việc trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác mà nhiều hộ dân của huyện Nam Trà My, đặc biệt là tại xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang đã thoát nghèo. Năm 2023, toàn huyện giảm 645 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 8,39%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 36,3%. Đặc biệt, nhiều hộ đã xây được nhà tầng, trang bị đầy đủ phương tiện, đồ dùng gia đình, mua sắm được ô tô; mua đất, xây nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

namtramy2.jpg
Nhờ việc trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu dưới tán rừng mà nhiều hộ dân của huyện Nam Trà My đã thoát nghèo

PV: Trong thời gian tới, địa phương sẽ có định hướng, kế hoạch phát triển cây dược liệu, cây sâm gắn với công tác bảo vệ rừng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Duy Dũng: Đối với định hướng, kế hoạch phát triển cây dược liệu, cây sâm gắn với công tác bảo vệ rừng thì huyện ủy Nam Trà My đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 28/12/2020 về phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, luôn nhất quán quan điểm “Phát triển nông nghiệp phải gắn chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển rừng, hình thành cơ cấu nông - lâm nghiệp kết hợp nhằm khai thác một cách hiệu quả, bền vững nguồn lợi từ rừng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân”; Xác định công tác bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Nam Trà My đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 03/5/2021 về việc triển khai thực hiện Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh” trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục tăng cương công tác phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”... để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.

Song song, để phát triển thương hiệu cây sâm Ngọc Linh, việc đầu tiên cần làm là bảo vệ thương hiệu sẵn có. Tăng cường công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trên thị trường, tạo niềm tin tuyệt đối cho khách hàng; Chú trọng công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên các phương tiên thông tin đại chúng, mạng xã hội. Hướng dẫn cho khách hành nhận diện được các phương thức lừa đảo buôn bán sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Khai thác hiệu quả sàn Thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản; quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân buôn bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thông qua việc đăng ký và cam kết bán hàng trên sàn Thương mại điện tử của huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Trà My (Quảng Nam): Bảo vệ rừng từ phát triển cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO