Xã hội

Dưới bóng đổ nghìn năm của đại thụ - Kỳ 1: Đại lão mộc tinh hơn 80 nghìn năm tuổi

Đỗ Doãn Hoàng 20/03/2024 - 14:47

(TNMT) - Những cây cổ thụ trên địa cầu cũng có sinh lão bệnh tử như con người; hòn đá tỷ năm tuổi chúng ta nhìn có thể vẫn trơ trơ gỗ đá thế thôi; nhưng cái cây nghìn năm tuổi hoặc vài nghìn năm tuổi thì loài người chỉ nhìn bằng mắt thường đã sững sờ thảng thốt. Người ta gọi đó là thần cây, đại lão mộc tinh, là cụ đại cổ thụ, là tàng cây có “thần, tiên, thánh, phật” ngụ ở bên trong.

1(2).jpg

“Rắn già rắn lột, người già người chui tọt (vào) đầu săng”, săng là cái quan tài. Đời người hữu hạn đến xót xa, so với tuổi 4,6 tỷ năm của Trái đất và cả vũ trụ. Những cây cổ thụ trên địa cầu cũng có sinh lão bệnh tử như con người; hòn đá tỷ năm tuổi chúng ta nhìn có thể vẫn trơ trơ gỗ đá thế thôi; nhưng cái cây nghìn năm tuổi hoặc vài nghìn năm tuổi thì loài người chỉ nhìn bằng mắt thường đã sững sờ thảng thốt. Người ta gọi đó là thần cây, đại lão mộc tinh, là cụ đại cổ thụ, là tàng cây có “thần, tiên, thánh, phật” ngụ ở bên trong.

2(1).jpg
Cây Sa mu dầu - cây di sản nổi tiếng Việt Nam tại VQG Pù Mát
3(2).jpg

Việt Nam ta, chiến tranh kéo dài, chất độc hóa học và các trò phá hoại thiếu hiểu biết khác đã từng tàn sát những cánh rừng cổ thụ theo hướng… tuyệt diệt. Đã một thời, người ta tiến vào rừng sâu, khai thác gỗ, “làm giàu cho Tổ quốc”. Chúng ta không phán xét lịch sử, nhưng quả là rất đáng tiếc. Những cây cổ thụ còn lại đến ngày nay thật không nhiều, sau thời kỳ người ta - thậm chí - để mở rộng một con đường giữa phố, sẵn sàng cưa đổ vài chục cây cổ thụ vài trăm năm tuổi đang đứng như những bảo tàng sống. Thiếu gì cách để vẫn mở được đường mà vẫn được sống một cách đáng sống dưới tán rợp bao dung của các tàng cây ấy nhỉ?...

4(3).jpg

Nhưng! Tín hiệu đáng mừng là: người Việt Nam đang vinh danh các di sản cây cổ thụ và rừng đại thụ một cách rất đáng trân trọng. Giới trẻ cũng tìm về các bóng đổ nghìn năm của “đại lão mộc tinh” để nương náu và chăm sóc.

Nhân loại tiến bộ đo đếm cây cối, rồi vinh danh như thế này: cụ đại thụ già tuổi nhất còn tồn tại trên trái đất, là một cây dương Pando đã 80.000 năm tuổi, ở Utah (Mỹ). Đáng tiếc, cụ không có thân to mấy chục vòng tay người ôm hay sừng sững cao như cột chống trời như người ta hằng nghĩ. Mà cụ nằm cả thân lớn dưới mặt đất, chỉ nhô lên hít khí giời với các thân nhỏ lúp xúp. Nhưng mà! Kỷ lục! Có tới 40.000 gốc cây khác nhau mọc lên từ thân nằm của cụ, các thân nhấp nhô này được nối với nhau bằng bộ rễ ngầm chung và trải rộng trên diện tích mênh mông 43ha! Một cây thông Methusalad ở California (Mỹ) có tuổi thọ hơn 4,8 nghìn năm - là cây thân gỗ sống lâu đời nhất trên thế giới. Cụ sống khỏe đến nay, dù mùa đông và mùa hè nơi này đều rất khắc nghiệt.

5(1).jpg
Vẻ đẹp cây cổ thụ ở VQG Cát Tiên

Trời đất tặng cho vùng California của Mỹ quá nhiều giá trị quý về thiên nhiên, với tinh thần hào phóng nhất. Bên cạch các kỷ lục cây to, cây lớn tuổi trên, cũng tại đây, cây họ thông General Sherman thật sự quá kỳ vĩ. Cao gần 100m, chu vi vòng thân 34m. Nếu tính về mặt thể tích gỗ, đây là cây có đường kính thân gốc lớn nhất thế giới còn sống tới bây giờ. Nói dại, nếu lâm tặc chặt, theo tính toán của giới khoa học, thân thể cụ thông có thể cho người ta khoảng 1.500m3 gỗ xịn. Nhưng, với vẻ đẹp cường tráng và cổ kính của lão mộc tinh này, tôi tin, không một lâm tặc nào nỡ vung cưa hạ thủ, mà nhiều khả năng: chúng sẽ nghiêng mình chiêm ngưỡng rồi ngả lưng bên liếp cỏ, dưới bóng đổ bảo bọc của cụ mà ngủ một giấc an lành. Ngủ dậy, lâm tặc sẽ “hoàn lương”!

6(1).jpg

Các đại thụ ở Mỹ mà tôi vừa kể ở trên, đều ở công viên lớn, các vườn quốc gia đường vào phong quang, giao thông thuận tiện, người già trẻ em cũng đến chiêm bái được. Thế thì còn gì bằng...

Ở Việt Nam ta, những cây cổ thụ có giá trị thức tỉnh tình yêu thiên nhiên của người đời, may thay, vẫn còn khá nhiều. Hơi đáng tiếc là: không phải cụ cổ thụ di sản quốc gia nào cũng đứng ở nơi phong quang, có “sinh cảnh” tốt để thế hệ trẻ (và du khách nói chung) có thể dễ dàng chiêm bái để được truyền cảm hứng yêu màu diệp lục. Có “cụ” nằm lọt thỏm trong các khu vướng víu, nhiều bê tông trơ khấc, có cụ ở tít trong rừng sâu núi thẳm, đi bộ vài ngày, cả ngày hoặc nửa ngày đường mới tới được. Tất nhiên, một liều ba bảy cũng liều, ở rừng xanh núi đỏ để thiên hạ nở phổi đi tìm thế mới thêm phần quý hóa. Càng khó gặp thì mới càng thêm yêu và trân trọng các đại lão mộc tinh hơn.

Điều trên cũng đúng đấy. Nhưng điều không thể phủ nhận là: vì lý do trắc trở kia mà các “cụ như cây quế giữa rừng / thơm tho (ít) ai biết, ngát lừng (ít) ai hay”.

7(1).jpg

Đây, cây dã hương nghìn tuổi ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam ta. Tài liệu, khảo sát, vinh danh của người Pháp từ cả thế kỷ trước về loài cây độc lạ vẫn hằng tỏa hương và cung cấp thứ dầu quý này. Cụ dã hương được coi là bậc đại thụ giữ nhiều kỷ lục quan trọng của nước ta. Cụ vẫn sống tới hôm nay. Giờ đây, tài liệu “Cây di sản Việt Nam” ghi rõ: cụ dã hương có đường kính gốc 2,59m. Tuổi 1.000 của cụ còn non hơn cụ táu 2.104 tuổi ở xã Trưng Vương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - là cây đang sống có tuổi thọ lớn nhất Việt Nam, theo tài liệu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ở Hải Phòng, có cây đa 13 gốc nổi tiếng, trùm lên miếu Thổ Vượng linh thiêng cũng đang chiếm hữu một kỷ lục nữa. Nếu bạn muốn run rẩy, thấy mình bé xíu giang tay ôm các gốc cây khổng lồ, để nghĩ về sự nhiệm màu của thiên nhiên. Nếu ai đó muốn ngắm nhìn các cánh rừng bạt ngàn cổ thụ đứng như so đũa, như cột chống trời, chỉ một góc nhìn có đủ thiên đường rừng nhiệt đới, với các tầng cây gỗ lớn, cây tán thấp, rêu mốc, địa y… Bạn có thể khám phá cả kho báu thiên nhiên rộng lớn, suốt dọc đường đi bộ ngày nọ qua ngày kia. Chim hót trên cây, thú đi dưới tán rừng, cả hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng, rừng trên núi đá tai mèo, rừng thường xanh chất ngất mây luồn mây đụn lần lượt hiện ra khiến người ta càng thêm thấm thía, “hạnh phúc trước hết là ở đường đi”, chứ chưa chắc chỉ ở riêng đích đến.

8.jpg
Đào cây cổ thụ giữa rừng, dùng máy cẩu chở đi bán làm cây đại cảnh - một trò hạ sát rừng thời mới

Muốn có được những cảm xúc kia, tôi xin ví dụ, bạn có thể lên với khu rừng đặc dụng huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Thủy điện Tuyên Quang ra đời, các ngọn núi đá bỗng trở thành “ốc đảo khổng lồ” giữa biển nước, gần đây, người ta có thể đi tàu thuyền đến tận các vách núi cao, rồi thư thả vài tiếng bò trườn leo bộ lên rừng. Cây nghiến chỉ mọc trên núi đá cao, gặn chắt từng lọn sương ẩm ướt, “ngại gì nắng, ngại gì mưa”, luồn bộ rễ kiên cường như quái thú của mình trong biển đá vôi, đá tai mèo xám ngoét để chắt chiu từng mảy đất bé xíu mà lớn lên. Với “kinh nghiệm sống” hàng nghìn năm tuổi, các cụ nghiến đứng như cột chống trời, toàn thân phủ rêu mốc xanh um, bộ rễ cuồn cuộn như mãng xà khủng long thời tiền sử. Tôi và nhiều đồng chí kiểm lâm đi tuần tra các cây gỗ lớn trị giá tiền tỷ ngoài chợ đen ấy rồi đứng chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Hạt trưởng Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, anh Khổng Văn Quang và tôi chỉ bé như mấy con “nhái ôm măng” khi ngồi trong một cái nu (mấu) phủ rêu bên gốc đại lão nghiến cụ.

9.jpg
10(1).jpg
(1) Rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang bị tàn phá suốt nhiều năm
(2) Cảnh vác gỗ pơ mu như trảy hội trong vùng lõi VQG Hoàng Liên tháng 4/2021

Sau mỗi chuyến đi chiêm ngưỡng rừng cổ thụ, tự chúng tôi hiểu màu xanh kỳ diệu của những cây nghiến giữa rừng như thế, nó là thứ màu khác biệt, người am hiểu rừng (và cả lâm tặc) đứng từ rất xa đã phát hiện ra. Có màu xanh cây lá đặc trưng (khác với màu xanh của cả tán rừng), lại vòi vọi cao giữa trời xanh, nên các bảo tàng gỗ nghiến cổ thụ nghìn năm (với gỗ quý, đắt đỏ ngoài chợ đen) luôn bị các đối tượng tham lam săn tìm kiếm, triệt hạ. Lâm tặc cầm cưa cầm búa tham lam xốc tới, “lâm tặc” bảo kê cho phá rừng càng ham hố hơn. Một cây nghiến to nhất từng bị triệt hạ mà tôi ghi hình tố cáo ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang (rồi công an đã bắt các đối tượng đi ở tù) có đường kính 2,7m. Ước tính, số gỗ bị ăn cắp bán tống bán tháo từ một cụ nghiến như thế đã có giá tới dăm bảy trăm triệu đồng! Vậy mà riêng vụ việc ở xã Minh Ngọc, ít nhất 800m3 gỗ nghiến đã bị xẻ thịt, “ăn vương bỏ vãi”.

Thế nên, hiếm có cây nghiến nào còn lưu lạc ở chốn đông dân cư hoặc các cửa rừng, trừ vài trường hợp hi hữu như cụ nghiến song thân giao nhau trùm lên như ô cửa kỳ diệu ở một bản làng xa xôi thuộc tỉnh Cao Bằng. Các rừng nghiến ở Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang… chỉ còn rất ít, thường ở chốn rừng sâu hiểm trở. Đại thụ đứng sừng sững ở đáy sâu rừng già thì có mất cũng chả ai biết; cả bầy lâm tặc các thể dạng hăm he cưa đổ cũng ít ai kiểm soát nổi. Ở bìa rừng, có đường xá phong quang, thì xe tải cưa máy nó dễ vào “đoạt mạng” đại lão mộc tinh hơn. Chung quy, mấu chốt vẫn là sự nghiêm minh của luật pháp.

Bút ký của: ĐỖ DOÃN HOÀNG
Trình bày:
TÙNG QUÂN

11.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dưới bóng đổ nghìn năm của đại thụ - Kỳ 1: Đại lão mộc tinh hơn 80 nghìn năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO