Xã hội

Đổi thay trên quê hương “Đất thép thành đồng”

Nguyễn Thanh 01/12/2023 - 17:01

Từ một vùng đất phải hứng chịu hàng trăm trận mưa bom, bão đạn trong chiến tranh, Củ Chi đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của TP.HCM, đời sống của người dân ngày càng ấm no, sung túc.

cu-chi.jpg
Diện mạo nông thôn mới Củ Chi với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ

Phát huy truyền thống anh hùng

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi khởi hành tìm về vùng đất Củ Chi “Đất thép thành đồng”. Từ ngã tư An Sương, xuôi theo Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài), khoảng 20km là vào địa phận Củ Chi, hai bên đường lần lượt là các khu công nghiệp rộng lớn Tân Phú Trung, Đông Nam, Tây Bắc Củ Chi, với hàng ngàn nhà máy hiện đại, từng tốp công nhân là người dân địa phương hối hả vào ca sản xuất.

Mải ngắm nhìn những khu phố sầm uất, những ngôi nhà hiện đại, những trung tâm thương mại đông đúc người vào ra tại thị trấn Củ Chi, xe của đoàn chúng tôi đã chạy vào Tỉnh lộ 7. Và chỉ mất thêm 20 phút, chúng tôi đã đặt chân tới địa đạo Củ Chi, trang nghiêm, thành kính viếng Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược không khuôn viên địa đạo. Nơi đây, đang ghi tạc sự hy sinh của hơn 44 ngàn liệt sỹ, trong đó có 14 ngàn liệt sỹ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác và 800 liệt sĩ không rõ quê quán đã ngã xuống trên mảnh đất lửa Củ Chi anh hùng.

Tôi còn nhớ, cũng tại nơi linh thiêng này hơn một năm trước, tại lễ kỉ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy Củ Chi đã ôn lại những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt mà oai hùng của quân và dân Củ Chi. Từ năm 1966-1967, Mỹ thực hiện nhiều trận càn quét, giội bom, rải chất độc xuống mảnh đất này. Tính trung bình mỗi mét vuông đất Củ Chi chứa 3kg mảnh bom pháo, 100 gam chất hóa học và nhiều nhất là dioxin.

Với tinh thần đấu tranh "Một tấc không đi, một ly không rời", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân và dân Củ Chi đã luôn kiên cường trước mọi thử thách, gian lao, dù gian khổ hy sinh, bom rơi, đạn phá vẫn kiên trì bám trụ, bám làng chiến đấu, quyết không làm nô lệ, quyết không chịu mất nước, tất cả vì độc lập, tự do.

nong-nghiep-chat-luong-cao.jpg
Mô hình nông nghiệp chất lượng cao tại Củ Chi

Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cũng tự hào khẳng định: Nếu trong kháng chiến, người dân Củ Chi thà hy sinh để nhường sự sống cho đồng bào mình thì trong hòa bình, mọi người lại cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa. Những năm qua, nền kinh tế của huyện phát triển với những chỉ số ấn tượng theo hướng tăng nhanh tỷ trọng về ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đô thị. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 63,6 triệu đồng/người/năm.

"Củ Chi sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh, biến niềm tự hào của quá khứ thành động lực quan trọng để kiến thiết, xây dựng quê hương” - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng

ho-tro-bo-giong.jpg
Tặng bò giống cho hộ nghèo

Đặc biệt, trong những thành tựu nổi bật của Củ Chi đạt được sau những năm giải phóng không thể không nhắc tới công tác giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong ký ức của ông Lê Thanh Tâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Củ Chi những năm 1990, 15 năm sau giải phóng, huyện Củ Chi gặp rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo, đói còn rất nhiều. Ở vùng kháng chiến, vùng sâu, vùng xa, có đến nửa số hộ thuộc diện nghèo, gia đình chính sách khó khăn, cần trợ giúp...

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Củ Chi không cam chịu đói nghèo, đến cuối năm 2022 toàn huyện chỉ còn 2.276 hộ nghèo với 7.214 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,72% và 2.543 hộ cận nghèo với 9.404 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 1,93%. Trong năm 2023, Củ Chi phấn đấu thực hiện kéo giảm 0,77% tỷ lệ hộ nghèo (ước khoảng 1.020 hộ nghèo) và giảm 0,72% tỷ lệ hộ cận nghèo (ước khoảng 950 hộ cận nghèo). Củ Chi cũng là địa phương đầu tiên của TP.HCM về đích trước 2 năm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Làm giàu trên quê hương "đất thép"

Từ Đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược, đi trên những con đường liên xã trải nhựa thẳng tắp, phẳng lì, hai bên đường là các loài hoa khoe sắc, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì diện mạo nông thôn mới của Củ Chi quá đỗi tươi đẹp. Thật không bất ngờ khi Củ Chi được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP.HCM. Nhờ xây dựng nông thôn mới, Củ Chi đã hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại, đây cũng chính là “điểm khởi đầu” cho một đời sống mới tốt đẹp hơn.

nong-thon-moi.jpg
Người dân Củ Chi dọn vệ sinh tại một tuyến đường kiểu mẫu

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong thời gian qua, người dân Củ Chi đã hiến hàng trăm ngàn m2 đất, vật kiến trúc, ngày công lao động để cùng chính quyền mở rộng đường giao thông, công trình thủy lợi, xây trường, mở lớp. Toàn huyện đã có 486 tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông nhựa nóng với tổng chiều dài 687km và 1.188 tuyến đường đã được cấp phối sỏi đỏ, đá dăm với tổng chiều dài 675km. Trong đó, Củ Chi đã thực hiện giải tỏa và xây dựng 04 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện, 84 tuyến đường kiểu mẫu cấp xã...

Tới xã Thái Mỹ, một xã nông thôn mới đang được xây dựng theo mô hình “nông thôn mới thông minh” của huyện Củ Chi, chúng tôi còn ngỡ ngàng hơn vì ngoài diện mạo “chuẩn” của một xã nông thôn mới nâng cao còn là một không khí lao động, sản xuất hối hả với hàng loạt mô hình sản xuất của người dân như: các cở sản xuất đan giỏ trạt xuất khẩu; các nhà vườn trồng rau sạch, trồng bắp, nuôi cá kiểng, hoa lan...

z4932358040536_0b7258a2d893a029580e17fa636a3e63.jpg
Bà Trà Thị Quý đang chăm sóc vưởn lan được trồng theo mô hình công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Giám

Chúng tôi quyết định ghé thăm một vườn trồng hoa lan ngập tràn sắc màu, rộng hàng ngàn m2 của bà Trà Thị Quy tại ấp Tháp. Trò chuyện với khách, bà Quy cho biết, năm 2018, bà quyết định chuyển đổi hơn 2.000m2 đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng hoa lan. Ngoài tiền tích cóp của gia đình, bà đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư khoảng 500 triệu đồng gồm lan giống, hệ thống tưới nước, cọc, lưới che...Theo bà Quy nhẩm tính, năm 2023, vườn lan sẽ đem lại lợi nhuận cho gia đình bà khoảng 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí vật tư, phân bón và tiền thuê nhân công...

“Là người nông dân, chúng tôi phải nghĩ cách làm giàu trên chính quê hương của mình, phải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không hiệu quả sang sản xuất những mặt hàng có giá trị, những thứ mà xã hội đang cần” – những tâm sự của bà Quy cũng đã nói lên một khát khao làm giàu chính đáng và bài bản của những người nông dân trên quê hương “đất thép thành đồng”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhựt, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã luôn tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, trên địa bàn xã có 75 công trình thủy lợi, chiều dài 64,232km, đảm bảo nước phục vụ 100% nhu cầu sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động.

Qua hàng năm, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển về chiều rộng và chiều sâu, thu hút đông đảo hộ nông dân tham gia. Nhiều mô hình nông nghiệp có hiệu quả thu nhập cao từ 200 triệu đồng/năm trở lên được nhân rộng.

nhung-nong-dan-gioi-gioa-luu.jpg
Những hộ nông dân sản xuất giỏi gặp nhau trao đổi kinh nghiệm

Không chỉ sản xuất nông nghiệp giỏi, người dân Thái Mỹ còn luôn có ý thức bảo vệ môi trường. Từ nhiều năm nay, Hội Nông dân xã Thái Mỹ đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng Xanh – Sạch – Đẹp. Theo chân một người dân ra thăm cánh đồng trồng lúa, bắp rộng 150ha của xã, chúng tôi quan sát thấy có gần 50 thùng rác loại lớn đã được được bố trí hợp lý để người nông dân chứa bao bì, chai lọ của phân, thuốc bảo vật thực vật và các loại rác thải phát sinh khác. Quả thực, thật khó để phát hiện vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật rơi vãi như nhiều cánh đồng khác mà chúng tôi thường thấy.

Được biệt, không chỉ ở Thái Mỹ, công tác bảo vệ môi trường nông thôn từ nhiều năm nay cũng là một “điểm sáng”của cả huyện Củ Chi. Theo báo cáo năm 2022 của UBND huyện, công tác thu gom rác sinh hoạt, rác y tế trên địa bàn huyện gần như đạt 100%; toàn huyện đã lắp đặt gần 18.500 thùng rác tại các khu vực công cộng; 100% số hộ dân đăng ký thu gom và xử lý rác, kết nối với các dịch vụ thu gom rác dân lập; nhiều khu vực người dân được hướng dẫn phân loại, xử lý chất thải hữu cơ thành phân vi sinh…

Sau một ngày tham quan, trải nghiệm, tạm biệt Thái Mỹ, tạm biệt Củ Chi, chúng tôi trở lại trung tâm thành phố mang theo trong mình những hình ảnh tươi đẹp, trù phú, năng động của đất và người nơi đây. Chúng tôi tin rằng, với định hướng và những kế hoạch triển khai đúng đắn, năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương, với ý chí bản lĩnh vươn lên làm giàu của người dân, Củ Chi sẽ ngày càng giàu mạnh, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố trực thuộc TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên quê hương “Đất thép thành đồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO