Xã hội

Mai Sơn (Sơn La): Tập trung nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Nguyễn Nga (thực hiện) 26/07/2024 - 17:30

(TN&MT) Có 22 xã, thị trấn, trong đó, 11 xã thuộc khu vực III, 123 bản đặc biệt khó khăn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Để làm rõ hơn những kết quả đã đạt được của địa phương này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện.

gn-ms-1-2-.jpg
Ông Ngô Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn.

PV: Xin ông cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ giảm nghèo bền vững đã được huyện Mai Sơn thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Ông Ngô Minh Tuấn:

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Sơn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; phân bổ nguồn vốn cho các cơ quan, đơn vị để chủ động triển khai các dự án, tiểu dự án.

Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đôn đốc UBND các xã, thị trấn theo dõi biến động, cập nhật thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý. Điều tra, làm rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ hộ nghèo còn cao để có hình thức hỗ trợ hiệu quả. Rà soát, đánh giá mức độ khó khăn, khả năng tự làm nhà ở của từng hộ nghèo để có phương án hỗ trợ, phát động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ.

Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, định hướng, các kế hoạch của cấp trên, của huyện về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến các xã, bản và mỗi người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh, truyền hình. Giao các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện tăng cường vận động các hội viên cùng đoàn kết, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Xây dựng các phóng sự phản ánh gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo; tuyên truyền các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội đang thực hiện đến cộng đồng, người dân nói chung, người nghèo nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, đã phân công 42 cơ quan, đơn vị, các chi, đảng bộ cơ sở giúp đỡ 49 bản đặc biệt khó khăn. Nhiệm vụ của các đơn vị là phối hợp với các xã nắm bắt nguyện vọng của các hộ nghèo; xây dựng phương án giúp đỡ, lựa chọn những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Hướng dẫn cách làm kinh tế, giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ cây trồng vật nuôi; xây dựng công trình nhà lớp học; tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

2.jpg
Huyện Mai Sơn chung tay xóa nhà tạm cho các hộ nghèo.

PV: Với đa dạng các giải pháp như trên, công tác giảm nghèo tại Mai Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Ông Ngô Minh Tuấn:

Từ năm 2023 đến nay, huyện Mai Sơn tiếp tục lồng ghép triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đầu tư có trọng điểm, bền vững, trọng tâm là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Từ các nguồn vốn đó, huyện đã xóa được 208 nhà tạm, tổng kinh phí trên 15,7 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 3.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ vùng khó khăn vay vốn với tổng số tiền 112 tỷ đồng. Hỗ trợ, cấp thẻ BHYT cho hơn 30.000 người; hỗ trợ tiền điện cho hơn 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng nghiệp cho 13.300 người....

Cùng với đó, đang triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm Cà phê trên địa bàn 3 xã Chiềng Chung, Chiềng Kheo, Chiềng Ve; Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm mía trên địa bàn 26 bản thuộc 2 xã Chiềng Lương, Phiêng Pằn, là địa bàn đặc biệt khó khăn với 410 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là người dân tộc thiểu số. Tổng diện tích thực hiện dự án là hơn 358 ha, kinh phí hỗ trợ hơn 4,4 tỷ đồng.

Nhờ đó, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 10,79%, giảm 2,07% so với năm 2022; có 9/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

1.jpg
Gần 100 cán bộ, hội viên nông dân 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mai Sơn tham gia tập huấn bồi dưỡng kỹ năng thông tin, tuyên truyền giảm nghèo.

PV: Quá trình triển khai công tác giảm nghèo, xin ông cho biết những khó khăn, thách thức mà Mai Sơn đang đối diện?

Ông Ngô Minh Tuấn:

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được triển khai thực hiện công khai, đã nhận được sự đồng thuận cao, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện, các nội dung hỗ trợ được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai các tiểu dự án của các Chương trình còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp được giao đạt thấp, nhiều dự án chưa giải ngân.

Một số dự án, tiểu dự án chưa có các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về hạn mức, định mức hỗ trợ, phương án thực hiện; nhiều cơ chế chính sách ban hành chậm, nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó khăn trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, chưa chủ động, tích cực tham gia các dự án để giảm nghèo.

3.jpg
Từ nguồn lực xã hội hóa, cầu dân sinh qua suối Huổi Bả, xã Chiềng Lương được đầu tư xây dựng, phục vụ 3 bản với gần 1.500 người dân.

PV: Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo theo lộ trình đã đề ra, Mai Sơn sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Ngô Minh Tuấn:

Với mục tiêu mỗi năm giảm bình quân 2% hộ nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4-5%; đến năm 2025, đưa 3 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, Mai Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo xuất phát từ nhu cầu cộng đồng, hộ nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, với phương châm Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân thực hiện gắn với 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Tiếp tục phân cấp trao quyền cho địa phương, cơ sở để tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện. Tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện, từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai Sơn (Sơn La): Tập trung nguồn lực để giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO