(TN&MT) - Hết năm 2023, Chi Lăng là 1 trong 3 huyện của tỉnh Lạng Sơn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Để đạt được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến mỗi người dân, đã thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Mạnh- Phó Chủ tịch UBND huyện.
PV: Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, huyện Chi Lăng đã xây dựng kế hoạch và triển khai trên thực tiễn như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Mạnh:
Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, dân số gần 80.000 người, trong đó 89,18% là đồng bào DTTS.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó, tập trung rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân dẫn đến nghèo cũng như nguồn lực thoát nghèo của từng hộ, nhóm hộ, từng địa phương.
Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo.
Đổi mới, đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách giảm nghèo đến với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo thông qua các hoạt động đối thoại trực tiếp. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của các đối tượng trong diện thụ hưởng để triển khai dự án giảm nghèo một cách hiệu quả.
PV: Ông có thể thông tin cụ thể một số kết quả công tác giảm nghèo mà địa phương đã đạt được trong năm qua?
Ông Nguyễn Hùng Mạnh:
Từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế theo các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Năm 2023 đã giao vốn cho 7 xã Thượng Cường, Gia Lộc, Hòa Bình, Bằng Hữu, Y Tịch, Vân An, Bắc Thủy làm chủ đầu tư để thực hiện các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn... với tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Đồng thời, hỗ trợ 485 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, doanh số cho vay hơn 33,8 tỷ đồng. Quan tâm làm tốt các chính sách cho người nghèo, cấp phát thẻ BHYT cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, chi phí học tập cho 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách.
Nhờ đó, đến hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 13,12%. Toàn huyện còn 1.249 hộ nghèo, tỷ lệ 6,48%; 1.280 hộ cận nghèo, tỷ lệ 6,64%.
PV: Theo ông, quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo, Chi Lăng còn đối diện những khó khăn, thách thức nào?
Ông Nguyễn Hùng Mạnh:
Hiện nay, một trong những vướng mắc mà Chi Lăng gặp phải là các văn bản hướng dẫn về định mức, cơ chế triển khai thực hiện các chương trình MTQG còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án. Nguồn thu ngân sách huyện còn hạn chế nên việc cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gặp khó khăn.
Diễn biến dịch bệnh trên một số vật nuôi phức tạp nên tiến độ triển khai một số dự án còn chậm, chưa thể bàn giao giống vật nuôi cho người dân. Các xã, thị trấn đã thành lập Ban Giám sát của đầu tư cộng đồng, tuy nhiên, hoạt động của Ban Giám sát còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thực hiện giám sát cộng đồng.
Một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của mình, chưa chủ động, chưa mạnh dạn đăng ký tham gia các dự án giảm nghèo, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo rất thấp 6,48%, song chủ yếu là các hộ không có khả năng lao động, hộ có người ốm đau, bệnh tật. Dẫn đến khó khăn trong thực hiện công tác giảm nghèo.
PV: Thời gian tới, huyện sẽ triển khai các giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đã đề ra? Và huyện có kiến nghị, đề xuất gì với tỉnh và Trung ương để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giảm nghèo, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Mạnh:
Năm 2024 và những năm tiếp theo, Chi Lăng phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống;
Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Thực hiện mục tiêu trên, Chi Lăng sẽ lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi và các chương trình về y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục đào tạo...
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo, xã nghèo, giao trách nhiệm chủ đầu tư cho cấp xã, phân công cán bộ huyện phụ trách thường xuyên bám sát hỗ trợ cấp cơ sở xã, thôn về kỹ năng điều hành, trình tự thủ tục và kỹ thuật tác nghiệp chuyên môn. Tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng các cách làm hay sáng tạo..., tạo thành phong trào cùng nhau phấn đấu nỗ lực đăng ký thoát nghèo.
Huyện Chi Lăng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 huyện xuống từ 1,5% đến 1,8%, để phù hợp tình hình thực tiễn. Kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn về định mức, cơ chế triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia thống nhất, đảm bảo để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án...
Trân trọng cảm ơn ông!