Tài nguyên

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công dự án bồi thường

Nguyễn Quỳnh 05/10/2023 - 10:17

(TN&MT) - Từ nay đến cuối năm 2023, Sở TN&MT TP.HCM sẽ đôn đốc, làm việc trực tiếp với UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh mới trong công tác giải ngân vốn đầu tư công phần bồi thường các dự án đầu tư công trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt 95%.

Tỷ lệ giải ngân cao gấp 3,9 lần so với cùng kỳ

Theo Sở TN&MT TP.HCM, năm 2023, TP.HCM được giao vốn bồi thường tại các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố là 21.191 tỷ đồng đối với 155 dự án; vốn còn lại của năm 2022 là 5.697 tỷ đồng đối với 116 dự án. Như vậy, tổng vốn bồi thường mà TP.HCM phải giải ngân trong năm 2023 là 26.889 tỷ đồng, tổng dự án là 271 tỷ đồng. Số vốn này cao gấp 2,56 lần so với kế hoạch năm 2022.

du-an-tham-luong-ben-cat.jpg
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước

Đến ngày 13/9/2023, TP.HCM đã giải ngân được tổng 11.625 tỷ đồng (bao gồm 7.641 tỷ đồng của năm 2023 và 3.991 tỷ đồng của năm 2022), đạt 43% so với kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (39%) và của TP.HCM (29%). Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân năm 2023 của TP.HCM đã cao hơn 3,9 lần so với cùng thời điểm của năm 2022. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ít nhất 95% vào cuối năm 2025 thì còn phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa.

Cụ thể, đối với các quận, huyện, TP. Thủ Đức, thì chỉ có 4/21 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân tổng số vốn bồi thường trên 70%, bao gồm: Quận 7 đạt 80,78%, quận 11 đạt 73,74%, huyện Củ Chi đạt 70,88% và huyện Nhà Bè đạt 74,26%. Trong 4 địa phương này chỉ có huyện Củ Chi là thuộc nhóm các địa phương được giao vốn lớn trên 500 tỷ đồng (huyện Củ Chi được giao 2.257 tỷ đồng).

Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, với tỷ lệ giải ngân như hiện nay, các địa phương khả năng chỉ hoàn thành giải ngân phần vốn của năm 2022 theo kế hoạch, riêng các dự án được giao vốn mới trong năm 2023 thì khó đạt được và phải tiếp tục thực hiện trong năm 2024.

Trong đó, đối với 155 dự án giao vốn bồi thường năm 2023 trên địa bàn, chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch, 24 dự án chậm tiến độ giải ngân và có đến 101 dự án chưa giải ngân. Trong số 101 dự án chưa giải ngân, TP. Thủ Đức dẫn đầu với 26 dự án, huyện Củ Chi có 11 dự án, huyện Bình Chánh có 10 dự án, huyện Hóc Môn có 9 dự án, quận 6 có 4 dự án, quận 7 có 4 dự án…

Về nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân, Sở TN&MT cho rằng, do công tác lập dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án chưa chính xác, dẫn đến một số dự án sau khi UBND các địa phương đã xác lập xong hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng trường hợp thì dư ra một số vốn không thể giải ngân được.

Đồng thời, mới có 90 dự án được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, vẫn còn 65 dự án cần phê duyệt điều chỉnh hệ số giá đất nhưng UBND địa phương chưa hoàn tất công tác chuẩn bị, chưa trình duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Nguyên nhân là do nhân sự tham gia trực tiếp công tác đền bù, hỗ trợ của một số địa phương không ổn định, không đủ về số lượng, chưa đáp ứng về trình độ, năng lực.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương chưa thể hiện vai trò người đứng đầu, không mạnh dạn giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, nhất là việc xác minh nguồn gốc nhà đất cho người bị thu hồi. Ngoài ra, có những vụ việc mặc dù các sở, ngành liên quan đã có ý kiến hướng dẫn, nhưng UBND các địa phương vẫn tiếp tục xin ý kiến... Vì vậy, theo Sở TN&MT TP.HCM, vẫn còn 26 dự án, tổng vốn 2.045 tỷ đồng đang gặp các vướng mắc tại UBND thành phố và các sở, ngành cần sớm xem xét giải quyết.

Tổng lực hoàn thành mục tiêu giải ngân 95%

Để đạt được tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị UBND các địa phương, chủ đầu tư, các sở ngành có liên quan khẩn trương thực hiện một loạt các giải pháp. Trong đó, đối với những dự án của năm 2022 đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Yêu cầu bắt buộc là phải thực hiện dứt điểm trong năm 2023, nhằm tránh kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến phát sinh khiếu nại, khởi kiện của các hộ dân cũng như các vấn đề về lãi suất. Trong trường hợp đã vận động, thuyết phục nhiều lần, đã xem xét đầy đủ các chính sách thì cần thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo quy định để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Còn các dự án được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023, các địa phương sớm ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp bị ảnh hưởng và chi trả bồi thường. Riêng đối với các dự án chưa được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức đẩy nhanh công tác chuẩn bị và phê duyệt điều chỉnh giá đất.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong năm 2023, một số dự án lớn sẽ được tập trung hoàn thành giải ngân bồi thường, gồm: Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa bàn 4 địa phương: TP. Thủ Đức với vốn bồi thường 6.539,055 tỷ đồng; huyện Củ Chi là 1.718,57 tỷ đồng; huyện Hóc Môn là 1.614,45 tỷ đồng; huyện Bình Chánh 1.463 tỷ đồng; dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) bồi thường 1.750 tỷ đồng; dự án đường Lò Lu (TP. Thủ Đức) bồi thường 600 tỷ đồng; dự án Rạch Xóm Củi (quận 8) bồi thường 412 tỷ đồng…

Từ nay đến cuối năm 2023, Sở TN&MT - Tổ trưởng Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với UBND các địa phương để tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc phát sinh mới; đồng thời, kiểm tra, rà soát và đôn đốc tiến độ thực hiện từng dự án sau mỗi 10 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công dự án bồi thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO