Môi trường

Hà Giang: Thoát nghèo từ khai thác tiềm năng từ rừng

Mai Anh 26/07/2024 - 18:06

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn lực để triển khai nhiều mô hình, chính sách giảm nghèo. Với chủ trương, chính sách đúng đắn và dựa vào những giá trị rừng đem lại, các địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng cũng như thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, qua đó góp phần để rừng Hà Giang thêm xanh và người dân có nguồn thu ổn định thông qua giá trị từ rừng.

Với trên 460.000 ha diện tích có rừng, bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ 385.687 ha rừng tự nhiên, ước tính từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh Hà Giang trồng mới được 18,1 triệu cây xanh và trồng rừng sau khai thác khoảng 8.920 ha. Thực hiện các chương trình dự án, kế hoạch, các xã vùng II, III đã được hỗ trợ trồng rừng sản xuất 1.254 ha; hỗ trợ và khoán cho công tác bảo vệ rừng đối với 290.827 ha.

Với mức khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ bình quân trên 215 nghìn m3/năm, giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp hàng năm là 1.500 tỷ đồng, chiếm hơn 10% trong cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng không chỉ tác động tích cực đến môi trường, sinh thái, mà còn đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ.

Đặc biệt, với diện tích rừng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, đây là nguồn thu không nhỏ đối với đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

4_20240111202851-1-.jpg
Hà Giang thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân

Tại huyện Quang Bình, xã Bản Rịa có rừng sản xuất là 1.208 ha và 1.013 ha rừng phòng hộ. Đa số diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực thủy điện Thác Bà với 2.103 ha và một phần của thủy điện Bản Rịa. Trong đó, có hơn 1.400 ha là của hơn 300 hộ gia đình quản lý và 725 ha là của tập thể quản lý. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trung bình qua các năm đều ở mức cao, riêng năm 2021 đạt trên 400 triệu đồng.

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo nguồn lực xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi như: Đường giao thông, trụ sở thôn, bể nước, trường học, kênh mương và bổ sung quỹ xây dựng phát triển thôn.

Được biết, sớm tiếp cận với chương trình hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh, anh Nguyễn Văn Duyệt, thôn Hạ Thành, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã nhận được số tiền khoảng 10 triệu đồng để cải tạo những diện tích rừng nghèo kiệt, mua giống cây keo Úc đầu tư cho trồng rừng. Nhờ được chăm sóc, cắt tỉa, bón phân đúng quy trình, kỹ thuật, sau hơn 2 năm, rừng trồng keo vươn lên phát triển xanh tốt. Với gần 8 ha rừng, khoảng vài năm nữa được khai thác sẽ đem lại cho gia đình anh một khoản thu nhập không hề nhỏ.

6_20240111202921.jpg
Huyện Bắc Quang thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng

Tại huyện Bắc Quang, để phát triển cây lâm nghiệp bền vững, những năm qua cùng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện được bảo vệ tốt, đất rừng được sử dụng ngày càng bền vững, giá trị trong lĩnh vực lâm nghiệp được nâng cao, năm 2023 giá trị lâm sản đạt trên 30 tỷ đồng.

Đây là huyện có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lớn nhất tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên trên 110 nghìn ha; trong đó, diện tích đất đã có rừng trên 73 nghìn ha, diện tích rừng trồng trên 23 nghìn ha. Năm 2023, toàn huyện trồng rừng được hơn 1.400 ha, đạt 130% so với kế hoạch, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,6%.

Thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Quang xác định các mục tiêu cụ thể là: Bảo vệ diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với đẩy mạnh trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi, tái sinh rừng. Qua đó tạo sinh kế cho người dân khai thác đúng tiềm năng, lợi thế và những giá trị mang lại từ rừng để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên diện tích đất rừng khoảng 4 ha, trước đây gia đình ông Phạm Tiến Đạt ở thôn Tân Tấu, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang đã tập trung đầu tư trồng cam, quýt. Tuy nhiên, do diện tích cam, quýt thoái hoá và không mang lại giá trị kinh tế, nên ông Đạt đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây keo và mang lại hiệu quả kinh tế nhất định.

Tuy nhiên, sau khi đi thăm quan ở các địa phương khác, nhận thấy cây quế mang lại giá trị kinh tế cao hơn, ông Đạt đã chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng sang trồng quế. Hiện nay đã bước sang năm thứ 4, quế khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển khá tốt.

Theo ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, Chi cục đã tham mưu để ban hành các kế hoạch về phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm phát huy tối đa những giá trị từ rừng mang lại. Hiện nay, với xu thế chung là phát huy những giá trị đa dụng của rừng, Chi cục đã tuyên truyền, vận động và tham mưu các cơ chế, chính sách để từ khai thác trực tiếp sang khai thác gián tiếp như phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thu dịch vụ môi trường rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng và phát huy những mô hình trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là thông qua Nghị quyết số 16 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, người dân đã và đang khai thác đúng tiềm năng, lợi thế và những giá trị mang lại từ rừng để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Thoát nghèo từ khai thác tiềm năng từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO