Phụng Hiệp (Hậu Giang): Phát huy nguồn lực đất đai góp phần giảm nghèo bền vững
(TN&MT)- Với mục tiêu kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo, không để phát sinh hộ nghèo hoặc tái nghèo, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung phát huy những tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả đất đai giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Khai thác hiệu quả đất đai
Mặc dù đất đai thổ nhưỡng của huyện Phụng Hiệp không được màu mở như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tuy nhiên với sự đầu tư tích cực từ các ngành chức năng trong việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao khép kín kết hợp các cống ngăn mặn, trữ ngọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái, cộng với sự cần cù của người dân thông qua việc cải tạo đất, linh hoạt chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, qua đó giúp cho đời sống kinh tế của nhiều hộ dân tại địa phương này có sự chuyển biến rõ nét.
Trước đây, nói đến vùng đất ở các ấp Phương Thạnh, Phương Quới, xã Phương Bình, giáp ranh với Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hầu như người dân nào cũng lắc đầu ngao ngán bởi vì đất trũng thấp, thường xuyên bị nhiễm phèn rất khó khăn canh tác sản xuất và có trồng trọt được thì năng xuất cây trồng cũng không cao. Do vậy mà phần lớn diện tích đất ở khu vực này bị bỏ hoang, lau sậy mọc um tùm quá đầu người. Thế nhưng, trong khoảng năm năm trở lại đây vùng đất này đang “thay da đổi thịt”, trở nên trù phú, diện tích đất bị bỏ hoang, lau xậy mọc um tùm ngày nào đã được thay bằng màu xanh của hàng chục heta khóm MD2.
Trò chuyện với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Sỹ ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình cho rằng, sau nhiều năm thất thu từ cây lúa, cây mía, giờ gia đình tôi bắt đầu ăn nên làm ra từ cây khóm MD2 (dứa mật). Giống khóm MD2 rất thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất xanh tốt và cho năng xuất cao hơn các vùng khác, qua đó giúp cho cuộc sống của gia đình tôi và nhiều hộ dân trong ấp Phương Thạnh ngày càng khấm khá hơn.
Theo ước tính của người dân trồng khóm MD2, với giá doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu giao động từ 5.500 đến 5.700 đồng/kg thì trừ hết các khoản chi phí, người dân cũng còn lãi khoảng 20 triệu đồng/1.000m2, cao hơn gần 10 lần so với trồng lúa, mía. Chính từ từ hiệu quả kinh tế từ cây khóm MD2 mang lại mà nhiều hộ dân của xã Phương Bình đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây này.
“Sau khoảng 5 năm phát triển, giờ xã Phương Bình đã có gần 140 hecta đất trồng khóm MD2 và theo kế hoạch phát triển nông nghiệp của huyện Phụng Hiệp thì trong thời gian tới hàng chục hecta đất của xã Phương Bình cũng sẽ chuyển qua chuyên canh khóm MD2”- ông Nguyễn Hồng Lý, Chủ tịch UBND xã Phương Bình phấn khởi cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Lý, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Hậu Giang và huyện Phụng Hiệp đã giúp xã Phương Bình xây dựng được nhiều mô hình trồng cây có múi, rau màu, khóm MD2 cho hiệu quả cao, qua đó góp phần giúp người dân khai thác đất đai hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân
Theo báo cáo của ngành chức năng xã Phương Bình, tính đến tháng 6/2024 xã còn 148 hộ dân thuộc diện nghèo theo chuẩn đa chiều và để giúp giảm số hộ nghèo, hiện xã Phương Bình đang tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa, mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; hỗ trợ người dân cây, con giống, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; đồng thời xã Phương Bình còn giao chỉ tiêu cho từng ban, ngành, đoàn thể xã, ấp trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sớm thoát nghèo.
Để góp phần giúp người dân xã Phương Bình cũng như các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo, hiện nay huyện Phụng Hiệp đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đồng thời đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho Phóng viên biết: Huyện có tổng diện tích tự nhiên gần 48.451 hecta, trong đó đất nông nghiệp trên 39.153 hecta, đất lâm nghiệp gần 4.026 hecta, đất nuôi trồng thủy sản trên 383 hecta,… trong thời gian qua thông qua tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu, nuôi thủy sản tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 37.200 heta; đồng thời huyện Phụng Hiệp cũng chuyển đổi khoảng 9.000 hecta đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây màu, nuôi thủy sản, qua đó vừa nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, vừa cải thiện thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện Phụng Hiệp cũng đang tập trung phát huy những tiềm năng, lợi thế khi có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, hàng ngàn heta đất trồng tre, tràm và các di tích lịch sử để phát triển lĩnh vực du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có khoảng 10 điểm tham quan du lịch, trong đó có những điểm nổi tiếng như Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ; Khu di tích lịch sử Tiểu đoàn Tây Đô; Khu du lịch vườn tre Tư Sang; Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; Trung tâm lâm trường Mùa Xuân…
Theo báo cáo của ngành chức năng huyện Phụng Hiệp, chỉ tính riêng trong năm 2023, các điểm du lịch nêu trên đã thu hút gần 240.000 lượt du khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hơn 12 tỉ đồng, đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ, nghề truyền thống của huyện Phụng Hiệp phát triển và tạo thêm nhiều công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.