Bất động sản

Thị trường bất động sản cuối năm 2023: Nhà đầu tư dừng cắt lỗ, chờ giá tăng

Thục Vy 14/12/2023 - 08:35

(TN&MT) - Thời điểm cuối năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực phía Nam dần xuất hiện tín hiệu tích cực, làn sóng cắt lỗ có chiều hướng giảm. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng sau các động thái gỡ khó pháp lý của Trung ương và địa phương cho dự án BĐS, thị trường BĐS sớm sôi động trở lại khi lãi suất đang dần hạ… do đó nhiều NĐT ôm hàng, cầm cự chờ giá tăng.

"Quay xe" chờ tăng giá

Chị Thủy (NĐT) rao bán căn nhà phố 42m2 ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đang được cho thuê, nhưng mãi vẫn không bán được do khách trả giá không như kỳ vọng. Nay, chị Thủy quyết định dừng rao bán, chờ thị trường tốt lên. “Căn nhà này tôi cho thuê đã lâu, hiện giá thuê nhà cũng thấp nên tôi tính bán để thu tiền về làm việc khác, chứ không phải bán cắt lỗ bằng mọi giá. Do đó, tôi quyết định không bán nữa, chờ giá ổn định mới tính tiếp", chị Thủy chia sẻ.

"Trường hợp NĐT nếu chấp nhận "ôm" nhà đất, cần phải chuẩn bị tâm lý và phải chờ đợi từ 6 tháng nữa mới có thể sẽ có thanh khoản trở lại. Nếu nền tảng tài chính của NĐT không thể cầm cự đến thời điểm đó, nên chấp nhận bán bớt một phần".

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group

Anh Thanh Tuấn (NĐT) sở hữu mảnh đất 500m2 ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Mảnh đấy này được anh mua đầu năm 2021 với giá 2,2 tỷ đồng và phải vay ngân hàng 1 tỷ đồng. Đến giữa năm 2022, thị trường BĐS rơi vào khó khăn; công việc kinh doanh của anh cũng sụt giảm thu nhập. Vì thế, anh Tuấn phải rao bán mảnh đất, nhưng khi đã cắt lỗ 200 triệu đồng, anh vẫn không tìm được người mua.

Hiện tại, thấy thị trường đang tốt nên anh Tuấn quyết định dừng bán, chờ giá hồi với tăng nhẹ sẽ đẩy bán sau. Cũng theo anh Tuấn, tín hiệu tích cực khác mà anh đang quan sát và chờ đợi là thời điểm cuối năm nhiều doanh nghiệp địa ốc tung hàng, đồng thời, nhiều dự án hạ tầng cũng đang được triển khai. Anh Tuấn kỳ vọng những điều này sẽ giúp “hâm nóng” thị trường, đẩy giao dịch gia tăng.

Anh Long (một môi giới nhà đất ở TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Thời điểm này, nhiều khách hàng vốn gửi sản phẩm BĐS nhờ tôi bán hàng đã bảo tôi dừng bán. Thậm chí, một số khách còn bắt đầu tăng giá trở lại. Nếu họ xoay được tiền, không còn quá áp lực trả nợ thì họ đều dừng bán trong thời điểm thị trường diễn biến xấu".

Cũng theo anh Long, thời gian qua, nhiều NĐT muốn bán gấp nhà đất khi đang cần tiền xử lý nợ hoặc lo ngại thị trường xấu, giá sản phẩm còn tiếp tục đi xuống nên muốn thanh khoản ngay. Tuy nhiên, khi thị trường BĐS trầm lắng, việc rao bán bị khách ép giá khiến chủ đất khó chịu, chưa nói đến bị ép giá liên tục, nhiều chủ đất sẽ từ chối bán. Vì vậy, khi thị trường có tín hiệu tốt, xác định có thể tiếp tục gồng gốc lãi, NĐT sẽ đợi, thay vì cắt lỗ hay bán hòa.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, gần đây, thị trường BĐS tại khu vực phía Nam đang có nhiều tín hiệu khá tích cực nên nhiều NĐT không còn cắt lỗ hoặc giảm giá sâu. Một phần nguyên nhân là do NĐT có thể tiếp cận được vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi. Với NĐT đang gánh lãi suất cao, họ có thể chuyển đổi sang vay ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn. Chính những điều này đã giúp giảm áp lực đáng kể cho NĐT. Đây cũng là lý do mà chủ nhà đất có thể xoay xở với khoản nợ thêm nữa, thị trường BĐS cũng đang có dấu hiệu hồi phục, nên họ kỳ vọng giá sẽ sớm tăng để thoát hàng.

thi-truong-bds.jpg
Thị trường có tín hiệu phục hồi, nhiều nhà đầu tư quyết ôm hàng chờ giá tăng

Báo cáo từ DKRA Group cho thấy, trong tháng 11/2203, làn sóng bán cắt lỗ đất nền, nhà riêng lẻ đã hạ nhiệt phần nào, tình trạng giảm giá sâu từ 30 - 35% không còn phổ biến. Giá sơ cấp đất nền, nhà liền thổ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận mức giảm trung bình từ 3 - 10% so với cùng kỳ 2022, và chỉ giảm ở nhóm sản phẩm có giá trị cao, chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Riêng thị trường thứ cấp, giá và giao dịch đều duy trì xu hướng đi ngang.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services, tháng 11/2023, thị trường thứ cấp ghi nhận giao dịch cầm chừng, giá bán không có sự thay đổi; phân khúc căn hộ và nhà liền thổ không còn tình trạng giảm giá ở giao dịch thứ cấp mà chủ yếu đứng yên, thậm chí còn tăng nhẹ 2 - 3% ở một số dự án vị trí tốt.

Ông Hồ Văn Thanh - Giám đốc một Sàn giao dịch BĐS ở TP.HCM cho biết, gần đây đã có hiện tượng “quay xe” của một số chủ đất, chủ nhà chờ tăng giá. Khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, NĐT cũng nghe ngóng để bán giá sát thị trường. Thế nên, có rất nhiều chủ nhà “quay xe” không bán với giá trước đó, để bán với mức giá bán tốt hơn hoặc không bán nữa do đã xoay xở được về mặt dòng tiền.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, những chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, trong đó, lãi suất đang rất thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Thế nên, nhiều chủ nhà đất không bán cắt lỗ nữa mà họ cân nhắc đưa ra mức giá bán tốt hơn khi đã xoay xở được về dòng tiền. Hiện tại, thị trường BĐS tại phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng chỉ mới vượt khó được một phần, đồng nghĩa với việc vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết để có thể đi đến hồi phục hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản cuối năm 2023: Nhà đầu tư dừng cắt lỗ, chờ giá tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO