Xã hội

Hòa Bình: Huy động tổng lực ứng phó với mưa lũ

Đức Hải - Đà Giang 24/07/2024 - 11:04

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên toàn địa bàn vùng Tây Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có mưa lớn. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bị sạt lở nghiêm trọng.

hbinh-qlo-6-duoc-cac-co-quan-chuc-nang-ung-cuu-khi-da-lan.jpg
Quốc lộ 6, đoạn đèo Thung Khe, huyện Mai Châu, Hòa Bình

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Mai Châu (Hòa Bình), từ đầu năm 2024 cho đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và phá hỏng nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng trên địa bàn huyện.

Theo đó, thiệt hại về nhà cửa khoảng 327 triệu đồng; thiệt hại về nông, lâm nghiệp gần 50 tỷ đồng... Đặc biệt, ảnh hưởng của mưa lũ những ngày vừa qua đã làm hư hại, sạt lở trên tuyến quốc lộ 6 đoạn từ đỉnh đèo Đá Trắng lên đến đầu huyện Vân Hồ (Sơn La). Hay dọc quốc lộ 15 từ đầu ngã ba Đồng Bảng đi về hướng huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), đường tỉnh 432, đường tỉnh 450; tuyến đường huyện ĐH 63 từ thị trấn Mai Châu đi xã Bao La; các tuyến đường thuộc xã Thành Sơn; đường Cun Pheo - Táu Nà… với tổng giá trị thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

hb-ql6.jpg
Mưa bão, người dân đi lại cần cẩn thận

UBND huyện Mai Châu kiến nghị cấp trên quan tâm, đề xuất nguồn vốn cải tạo, nâng cấp ngầm Gò Lào của đường tỉnh 450 và ngầm Sạn Sộp của đường tỉnh 432; xử lý bề mặt đường bị hư hỏng đoạn lý trình km 16+350, tuyến đường tỉnh 439… để người dân sớm được khắc phục, thuận tiện giao thông.

hbinh-giai-toa-duong.jpg
Xúc sạt lở để thông đường

Trong công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai ngày 23/7, ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đã trực tiếp kiểm tra các điểm sạt lở trên địa bàn huyện Mai Châu và 2 ngầm tràn trên tuyến đường xóm Nọt - xã Sơn Thuỷ đi xóm Đoi - xã Tân Thành. Đây là tuyến đường đang được đầu tư xây dựng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 191 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến 14,172 km. Tuy nhiên, tuyến đường được khởi công từ năm 2020. Nhưng đến nay gói thầu thi công xây dựng hoàn thành mới đạt gần 73% khối lượng theo hợp đồng đã ký kết. Giá trị giải ngân của dự án 133,236/191,085 tỷ đồng, đạt 69,72%.

hb-duong-di-da-bac.jpg
Sạt lở ở nhiều huyện của tỉnh Hòa Bình

Sau khi kiểm tra thực tế trong ngày 23/7, nghe báo cáo trực tiếp của UBND huyện Mai Châu, Giám đốc Sở GTVT đã đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Mai Châu chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, đặc biệt chú ý việc đảm bảo an toàn trên các tuyến đường giao thông, các điểm ngầm, vị trí úng ngập, nguy cơ sụt lún cao; cảnh báo người dân đề phòng đá lăn, đá lở. Đối với các vị trí có nguy cơ cao sạt lở, ngập úng cần cắt cử lực lượng canh gác, đặt rào chắn, biển cảnh báo, tuyệt đối không để người dân đi qua khi không đảm bảo an toàn.

hb-xa-cao-son.jpg
Lập rào chắn, đề phòng bất chắc cho người dân

Đồng thời, UBND huyện Mai Châu cần quan tâm bố trí các nguồn lực duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường được giao quản lý theo phân cấp. Riêng đối với tuyến đường xóm Nọt - xã Sơn Thuỷ đi xóm Đoi - xã Tân Thành đang đầu tư xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đề xuất tỉnh bố trí nốt nguồn vốn dự án để công trình tiếp tục được triển khai thực hiện.

hb-ngap-duong.jpg
Mưa do bão khiến đường bị ngập

Tại huyện Đà Bắc, ông Vũ Tiến Tấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc cho biết: Mưa lớn đã khiến 1 tảng đá “mồ côi” to như cái nhà, từ trên núi lăn xuống con đường độc đạo liên xóm thuộc khu vực bản Hày, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc. Đồng thời, ngập úng ở một số ngầm tràn trên các tuyến Tỉnh lộ khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tránh đi vào rừng, đi vào chỗ sông, suối chảy xiết, tránh ẩn nấp dưới các tảng đá, hang hố… để đề phòng bất trắc.

hb-da-lo-nhu-cai-nha.jpg
Tảng đá lớn lăn xuống đường giao thông

Tại địa bàn xã Cao Sơn, tuyến đường từ xóm Lanh đi xóm Rằng cũng bị sạt lở hư hỏng nặng. UBND xã Cao Sơn đã phải cắt cử lực lượng an ninh cơ sở đi lập hàng rào, canh gác để người dân không đi lại vào vùng “nguy hiểm”. Theo đo đạc, lượng mưa tại khu vực thủy điện Suối Nhạp lên đến 116.4mm; tại xã Mường Chiềng đạt 115.8mm, tại xã Tân Pheo là 103.8mm…

hb-db-xa-cao-son.jpg
Người dân và cán bộ xã đi lập hàng rào, ngăn người đi lại gặp nguy hiểm ở huyện Đà Bắc

Kịp thời ứng phó với mưa lũ

Tại khu vực đập thủy điện Hòa Bình, do lưu lượng nước từ thượng nguồn Sông Đà tiếp tục đổ về với dòng chảy lớn. Bộ NN&PTNT đã có Công điện số 5264/CĐ-BNN-ĐĐ, ngày 23/7/2024 gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho mở cửa xả đáy thứ 3 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 22h00 ngày 23/7/2024. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ NN&PTNT, qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.

z5661201081421_514f07f56583eb5f7d28688d30b7c993.jpg

Theo tính toán, hồi 16h00 ngày 23/7/2024, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 104,88m, lưu lượng đến hồ 5.788m3/s, lưu lượng xả 5.481m3/s.

hb-tac-duong.jpg
Người dân đắn đo khi không dám lội qua nước.

Trước đó, ngày 13/7/2024, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hiện tại, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình được giao và quản lý trên 100km (đường Trung ương ủy thác), gồm các tuyến: QL.12B (56,8km), QL.21 (33,8km), QL.70B (10,04km).

Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình cũng giao theo dõi, kiểm tra 32,932km QL.6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (Km38+00 - Km70+932 ) và 23,42km đường Hòa Lạc - Hòa Bình (Km6+680 -:- Km30+100); gần 200 km đường khu vực đặc biệt khó khăn. Hiện nay, trên các tuyến đang tiến hành sửa chữa, bổ sung hệ thống ATGT.

Máy xúc đang dọn đường 433, Đà Bắc, Hòa Bình

Với chất lượng hiện trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn, năm 2024, những vị trí, tuyến đường được xác định xung yếu gồm: QL.6 đoạn dốc Quy Hậu, dốc Thung Khe, Thung Nhuối...; tuyến C, đường TSA, đường 12B, ĐT.432, ĐT.433, ĐT.435 chiều cao và độ dốc mái taluy lớn nên có nguy cơ sạt lở; các tuyến đang cải tạo, nâng cấp như: ĐT.432, ĐT.436, ĐT.445, ĐT.448 và ĐT.450; một số đoạn tuyến trên QL.6 (qua thị trấn Cao Phong, thị trấn Mãn Đức) và hầu hết các tuyến đường có ngầm đều có nguy cơ tắc đường cục bộ khi mưa lớn kéo dài do nước ngập sâu, chảy xiết, đặc biệt là hạn chế giao thông tại cầu Ngòi Mại, Km8+310, ĐT.445 đang thi công cầu mới, cầu cũ bị hư hỏng nặng không thể lưu thông được, phương tiện phải lưu thông qua tuyến khác mất nhiều thời gian hơn.

Hệ thống đường đô thị, đường giao thông nông thôn, đường chuyên dùng trên địa bàn tỉnh do UBND cấp huyện, cấp xã và một số chủ quản lý, sử dụng khác dài khoảng 10.000km, đã nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 6.350km, tuy nhiên, hệ thống đường GTNT cấp kỹ thuật còn thấp, nền, mặt đường nhỏ hẹp, còn tồn tại một số cầu yếu, mái taluy dốc dễ bị sạt lở gây mất ATGT khi có mưa, bão xảy ra.

hbinh-xa-bao-la.jpg
Gẫy cả đường ở Mai Châu, Hòa Bình.

Trong mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT Hòa Bình đã sớm xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão năm 2024, hiện đang kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo giao thông phù hợp với điều kiện thực tế.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cơ quan liên quan rà soát các vị trí xung yếu, công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường được phân cấp quản lý; kịp thời sửa chữa hư hỏng, gia cường các vị trí xung yếu.

Kiểm tra, rà soát các công trình cầu, có phương án cấm qua lại cầu yếu, cầu, ngầm có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Theo dõi, kiểm tra và có biện pháp sửa chữa, gia cố tăng cường những vị trí xung yếu như đoạn đường nền yếu, đèo dốc, mái taluy dễ sụt lở; khơi thông hệ thống rãnh thoát nước, sơn sửa cọc tiêu, cột thủy chí, biển báo hiệu; gia cố lòng cầu, cống, mặt và sân ngầm tràn, thanh thải dòng chảy.

Có kế hoạch phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi xảy ra sự cố ách tắc, kiên quyết không cho người dân cố ý vượt ngầm khi nước lũ dâng cao, chảy xiết, tránh thiệt hại thương tâm về người.

Đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu chấp hành nghiêm chỉnh biện pháp tổ chức thi công được duyệt, giấy phép thi công, thoả thuận, chấp thuận thi công trên đường bộ đang khai thác và công tác phòng, chống thiên tai khi thi công. Tổ chức phân luồng, điều hành, xử lý nhanh các sự cố ách tắc, có phương án ứng cứu đảm bảo giao thông luôn an toàn, thông suốt trong mọi tình huống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Huy động tổng lực ứng phó với mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO