Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay, diện tích rừng được trả tiền DVMTR của cả nước là 5,2 triệu ha rừng, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Số tiền này đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho hơn 410 nghìn hộ gia đình, cộng đồng với 86% là đồng bào dân tộc có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Chi trả DVMTR giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng. Ảnh: MH
Thu tiền DVMTR năm 2018 cả nước đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2017. Đến hết Quý I/2019, cả nước đã thu được 690,28 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, chính sách chi trả DVMTR đã đóng góp vào 4/7 nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, đó là: Tăng tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc, trồng rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, giảm tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 2018, hai nguồn thu DVMTR mới đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có sử dụng môi trường rừng đã chính thức được quy định tại Nghị định về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp của Chính phủ. Như vậy, đã có 5 loại hình chi trả DVMTR chính thức được triển khai rộng rãi trên cả nước, bên cạnh DVMTR đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, dịch vụ du lịch trong phạm vi khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong chi trả DVMTR qua giao dịch thanh toán điện tử được đánh giá là phù hợp với thực tiễn. Ảnh: MH
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NN&PTNT tổ chức thí điểm DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon (C-PFES) đến hết năm 2020, tổng kết và trình Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ này.
Theo kế hoạch, năm 2019, cả nước dự kiến thu 3.200 tỷ đồng từ nguồn DVMTR. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị, hiện nay, các địa phương đang triển khai ngay việc thu tiền DVMTR từ 2 loại hình dịch vụ mới và tiến tới thống nhất thanh toán tiền DVMTR không bằng tiền mặt, chủ yếu từ Quỹ tỉnh xuống các loại chủ rừng.
Quỹ Trung ương vẫn đang thí điểm trả DVMTR không dùng tiền mặt tại Yên Bái, Hòa Bình, Đắk Nông, Sơn La, Lâm Đồng và sớm tổng kết đánh giá, hướng dẫn phương pháp thanh toán để các địa phương lựa chọn áp dụng. Bằng hình thức này, đến hết tháng 7/2019, gần 2 nghìn tỷ đồng tiền DVMTR đã đến tay 1.342 chủ rừng là tổ chức. Đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng đã thanh toán điện tử được gần 160 tỷ đồng; đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được khoán quản lý bảo vệ rừng là hơn 144 tỷ đồng.
Việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong chi trả DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu thế chung. Với cách chi trả này, tiền DVMTR sẽ đến tận tay người nhận một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, an toàn và minh bạch.
Được biết, việc chi trả DVMTR tại Việt Nam chính thức được áp dụng khi Chính phủ ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR sau sự thành công của dự án thí điểm tại Sơn La và Lâm Đồng theo quyết định 380/2008/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trước khi chính sách này được ban hành, một số nghiên cứu về chi trả dịch vụ môi trường cũng được thực hiện ở một số tỉnh. Điển hình là dự án Nghiên cứu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (2002-2005) chi trả cho dịch vụ vẻ đẹp cảnh quan; Dự án triển vọng tài chính bền vững tại khu bảo tồn Thừa Thiên Huế (2007-2008) chi trả cho dịch vụ phòng hộ đầu nguồn và vẻ đẹp cảnh quan; Dự án tạo lợi ích cho việc phòng hộ rừng đầu nguồn Trị An (Đồng Nai, 2008- 2009) chi trả cho dịch vụ phòng hộ đầu nguồn; Dự án đền đáp sử dụng và chia sẻ đầu tư trong chi trả dịch vụ môi trường vì người nghèo (Bắc Kạn, 2008-2012) chi trả cho dịch vụ nước, cảnh quan và cacbon.
Như vậy, các dịch vụ chi trả chủ yếu là vẻ đẹp cảnh quan, bảo vệ rừng đầu nguồn, cung cấp nguồn nước. Các dự án được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF), cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), trung tâm nghiên cứu Nông lâm Thế giới (ICRAF), Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổ chức nghiên cứu lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), tổ chức phát triển Hà Lan (SNV)... Các tổ chức này hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cùng nghiên cứu các nguồn thu mới, xây dựng các bộ công cụ h trợ nhằm thúc đẩy và hoàn thiện chính sách chi trả DVMTR ở Việt Nam.
Khi Nghị định 99/2010/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, các tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, rà soát tiềm năng chi trả DVMTR trên địa bàn, xác định các bên cung cấp và bên mua DVMTR, thành lập quỹ bảo vệphát triển rừng cấp tỉnh và hỗ trợ người dân trong công tác chi trả DVMTR... và đến nay đã có hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trồng rừng.