Quảng Trị: Nâng cao đời sống nhờ chính sách dịch vụ môi trường rừng
(TN&MT) - Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội; giúp người dân có thêm thu nhập để nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Dưỡng (ảnh)- Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị.
PV: Xin ông cho biết, việc thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn đang được thực hiện như thế nào?
Ông Trần Xuân Dưỡng: Có thể khẳng định rằng, nguồn thu DVMTR hàng năm đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất của người dân thuộc địa bàn các huyện, xã vùng sâu vùng xa của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Trị ngày 27/2/2023, diện tích đất rừng là 285.878 ha, diện tích đất có rừng là 248.121,6 ha, trong đó diện tích được chi trả tiền DVMTR theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là 50.092,32 ha (chiếm 20,2 % tổng diện tích rừng toàn tỉnh).
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 10 nhà máy thủy điện và 1 cơ sở kinh doanh nước sạch tham gia sử dụng DVMTR thông qua hình thức chi trả gián tiếp. Trong đó có 6 nhà máy thủy điện và 1 cơ sở kinh doanh nước sách ký hợp đồng ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, còn lại có 4 nhà máy thủy điện ký hợp đồng ủy thác với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam sau khi ký thanh lý với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị từ đầu năm 2022.
Tổng số tiền DVMTR năm 2023 mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị đã chi trả cho các đơn vị chủ rừng nằm trong lưu vực chi trả là 19.963.776.000 đồng, chi hỗ trợ tiền trồng cây phân tán cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh là 661.976.000 đồng.
Cũng trong thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018 bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng trong năm 2023 trích từ nguồn kinh phí DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã lắp đặt 10 bảng thông tin tuyên truyền tại các điểm xung yếu, nhà cộng đồng thôn. Tổ chức tuyên truyền chính sách về DVMTR tại Trường TH&THCS Húc Nghì thông qua đó cấp phát 1.400 quyển vở học sinh và 135 ba lô cho học sinh toàn trường. Ngoài ra công tác tuyên truyền còn được thực hiện thông qua tạp chí, phóng sự truyền hình thực tế tại địa phương.
PV: Ông có thể đánh giá gì về những thay đổi trong đời sống của người dân sau khi chi trả DVMTR ?
Ông Trần Xuân Dưỡng: Nguồn thu từ chi trả DVMTR đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và giảm nghèo đối với người dân tại 16 xã vùng sâu vùng xa nằm trên địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 2.137 hộ gia đình, cá nhân; 35 cộng đồng dân cư thôn; 9 nhóm hộ gia đình và 89 tổ nhóm nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức, UBND xã, tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, xâm lấn đất rừng... dần dần được hạn chế tại các vùng sâu vùng xa.
Đối với các chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao, kinh phí chi trả DVMTR là nguồn thu hợp lý để cho các chủ rừng hạch toán tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và chủ động trả tiền lương hợp đồng lao động cho các nhân viên làm công tác bảo vệ rừng.
Theo người dân địa phương, nếu như không có tiền DVMTR thì bà con vẫn đi tuần tra bảo vệ rừng, tuy nhiên kể từ khi có thêm nguồn tiền này bà con rất phấn khởi vì họ có thêm thu thập, thêm kinh phí để mua thức ăn nước uống mỗi khi đi tuần tra, bảo vệ. Đối với một số gia đình có diện tích cung ứng lớn tương ứng số tiền nhận được nhiều hơn còn có thêm tiền để làm sinh kế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống như mua thêm gà, dê.. để chăn nuôi, sửa sang lại nhà cửa, có tiền cho con đi học. Vì vậy, có thể nhận thấy rằng từ việc đi tuần tra, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng của bà con được hiện thực hóa và chi trả bằng tiền có ý nghĩa hết sức quan trọng.
PV: Vậy còn có những khó khăn nào đang tồn tại trong việc chi trả DVMTR tại tỉnh, thưa ông ?
Ông Trần Xuân Dưỡng: Một số chủ rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số ở xa trung tâm, nên việc hiểu biết về chính sách chi trả DVMTR còn mơ hồ, một số người dân thắc mắc vì ko nhận được tiền DVMTR như các hộ khác. Tuy nhiên khi được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như kiểm lâm địa bàn giải thích, phân tích chỉ những diện tích nằm trong lưu vực nhà máy thủy điện mới được chi trả, nên bà con hiểu và không có khiếu kiện, khiếu nại về sau. Bên cạnh đó, do một số diện tích nhỏ lẽ tương ứng số tiền chi trả thấp vì vậy người dân không tích cực trong việc mở tài khoản để nhận tiền chi trả qua hệ thống ngân hàng. Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với bên thứ 3 là Bưu điện tỉnh để thực hiện chi trả trực tiếp tận tay cho người dân, đảm bảo việc chi trả tiền DVMTR được thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đến tận xã để trực mở tài khoản cho người dân có nhu cầu.
PV: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có các phương hướng, kế hoạch ra sao để duy trì chính sách chi trả DVMTR, thưa ông ?
Ông Trần Xuân Dưỡng: Thời gian tới, song song với việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp tục đẩy mạnh và chú trọng công tác tuyên truyền đến với người dân. Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đầu tư xây lắp hệ thống bảng tuyên truyền (gồm 13 bảng) về chính sách chi trả DVMTR tại địa bàn các xã Húc Nghì, Tà Long, A Bung thuộc huyện Đakrông và xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) nhằm tuyên truyền các chính sách về Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018 đến với người dân. Tổ chức 3 lớp tập huấn về chính sách chi trả DVMTR đến với cộng đồng dân cư, người dân nằm trong lưu vực được chi trả. Đặt mua khoảng 1.300 vở học sinh và 150 áo khoác/balo có in ấn logo tuyên tuyền về DVMTR dự kiến trao tặng cho toàn bộ học sinh trường Tiểu học số 2 thị trấn Đakrông, huyện Đakrông.
Chúng tôi hy vọng rằng, với những chiếc balo, những quyển vở học sinh mà chúng tôi mang đến sẽ góp một phần nhỏ giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình các em học sinh giúp các em có thể tự tin đến trường cùng các bạn. Đồng thời, thông qua các sản phẩm truyền thông này sẽ tạo nên mối liên kết mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR cũng như các cơ quan ban ngành liên quan, đặc biệt là người dân cộng đồng thôn ngày một thêm gắn kết với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị của chính sách chi trả DVMTR mang lại, về quyền lợi, trách nhiệm của mình, qua đó giúp giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, giảm thiểu mức độ thiệt hại về rừng, giúp cho người dân cải thiện đời sống, yên tâm gắn bó với rừng...