Phát triển Xanh

Xanh hóa cảng biển để hội nhập toàn cầu

Hà Duyên 14/12/2024 - 09:15

(TN&MT) - Xanh hóa cảng biển không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tối ưu chi phí và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Phát triển cảng biển xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tối ưu chi phí và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do chưa có tiêu chí cụ thể, cơ chế chính sách hỗ trợ.

Chia sẻ tại tọa đàm Cảng xanh - hướng đến phát triển bền vững, vươn ra biển lớn, Thượng tá Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cảng Xanh, Tổng công ty (Bộ Quốc phòng), cho biết đơn vị đã thực hiện quá trình xanh hóa từ 15 năm trước với hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ năm 2009, Tân Cảng Sài Gòn chuyển đổi từ sử dụng dầu diesel sang điện, giúp giảm chi phí vận hành từ 200 tỉ đồng xuống còn 66 tỉ đồng mỗi năm. Việc cải tiến công nghệ quản trị và tối ưu hóa sản xuất cũng mang lại hiệu quả cao.

cang-ctic.jpg
Cảng TCIT đã được Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng xanh năm 2020

Tuy nhiên, ở giai đoạn hai, khi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như pin mặt trời, đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chi phí cao của pin xe đã trở thành một trở ngại lớn. “Một chiếc xe giá 6 tỉ đồng thì chi phí pin đã chiếm đến 2,8 tỉ đồng” - ông Tuấn nói và cho rằng cần có doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất pin quy mô lớn tại Việt Nam để giảm giá thành.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, ông Đặng Vũ Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã bước đầu hướng tới xanh hóa và số hóa tại các cảng nước sâu.

“Chúng ta đặt mục tiêu phát triển bền vững thì buộc phải chơi theo luật chơi của thế giới. Các cảng nước ngoài đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Hệ thống cảng Việt Nam nằm trên hành lang vận tải Á – Âu, Á - Mỹ, vì vậy, việc xanh hóa là yêu cầu tất yếu,” ông Thành nhận định.

Mặc dù vậy, ông Thành cho biết, việc chuyển đổi này vẫn còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp logistics vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực về tài chính, công nghệ, nhân lực.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải, cho biết doanh nghiệp góc đang đối mặt với thách thức lớn về kinh phí khi bắt đầu tư vào phương tiện và thiết bị xanh. “Xe điện có giá cao gấp ba lần xe xăng, cần cẩu điện gấp đôi so với bình thường. Đây là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ,” ông Long chia sẻ.

Dưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Long cho rằng, việc chuyển đổi xanh tuy khó khăn nhưng có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như tối ưu thời gian xếp hàng và sắp xếp container, trước khi chuyển đổi sang năng lượng sạch. Về chính sách, ông Long cho rằng cần thêm nhiều ưu đãi như giảm giá, miễn hoặc giảm thuế để hỗ trợ chuyển đổi xanh.

“Doanh nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ như ưu đãi xanh, tín dụng xanh, tiếp cận vốn ưu đãi, hỗ trợ tài chính thông qua các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định; tăng cường truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp trong ngành cảng - logistics để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng xanh”, ông Phạm Quốc Long đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xanh hóa cảng biển để hội nhập toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO