Đánh thức tiềm năng đại ngàn Tây Nguyên

Bài và ảnh: Quế Mai| 24/06/2020 21:51

(TN&MT) - Tây Nguyên với những hệ sinh thái đa dạng, phong phú và nền văn hóa độc đáo, đặc trưng bản địa, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa sinh thái đang là hướng phát triển mới của du lịch hiện đại, hấp dẫn du khách thập phương.

Nhiều tiềm năng

Tây Nguyên là vùng cao nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Nơi đây nằm ở độ cao từ 500 - 1000m so với mực nước biển nên khí hậu khá mát mẻ, ôn hòa. Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều tộc người dân tộc thiểu số như Bahna, Jrai, Ê Đê, Mnông, Xê Đăng…

anh-1.-le-hoi-dua-voi.jpg
Lễ hội đua Voi (Đắk Lắk), một lễ hội luôn hấp dẫn du khách thập phương

Do vậy, đây cũng là nơi sản sinh và lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của những tộc người sinh sống nơi đây. Bên cạnh các lễ hội truyền thống, các lễ hội đương đại ở Tây Nguyên trong những năm gần đây như: Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Trà ở Bảo Lộc, Festival Hoa Đà Lạt... là cơ hội để giới thiệu, quảng bá để du khách thập phương tìm về và khám phá.
Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên lớn với hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú bậc nhất cả nước, nổi trội trong đó là những con sông, thác nước hùng vĩ. Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như: Vườn Quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidup - Núi Bà, Cát Tiên; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Đắk Uy, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung… hiện đang được các tỉnh quy hoạch, xây dựng thành những khu du lịch sinh thái quy mô lớn, có sức hút đối với du khách quốc tế.
Với những tiềm năng du lịch văn hóa sinh thái, những năm gần đây, các Công ty lữ hành, du lịch đã khai thác, thiết kế nhiều tua du lịch đưa du khách đến đây thăm quan, trải nghiệm. Song thực tế, Tây Nguyên vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch, thời gian lưu trú của du khách ngắn, tỷ lệ trở lại của khách du lịch không cao.
Nguyên nhân là do phát triển du lịch khi chưa có một kế hoạch rõ ràng đã gây ra nhiều tác động không nhỏ đến môi trường ở đây. Việc khai thác, sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến nhiều cảnh quan bị tàn phá; ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm đất; hệ sinh thái tự nhiên bị suy giảm; nhiều cánh rừng bị giảm dần diện tích, văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên đang bị biến đổi…
Ngoài ra, việc phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái ở khu vực này chưa có được sự liên kết giữa các tỉnh; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; chưa kết hợp được chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; trong quá trình khai thác du lịch, công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng chưa được chú trọng…

anh-2.-le-cung-suc-khoe.jpg
Du khách tham gia lễ phục dựng “Cúng sức khỏe” của người dân tộc Ê Đê

Giải pháp phát triển bền vững

Để khắc phục những hạn chế, đưa du lịch văn hóa sinh thái ở Tây Nguyên phát triển, mỗi địa phương trong vùng đều đã có cơ chế để thu hút nguồn đầu tư, xúc tiến phát triển du lịch, có chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng như lễ hội văn hóa truyền thống, trải nghiệm đời sống văn hóa dân tộc tại chỗ…
Mặt khác, tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, hiệu quả trong phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái; tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh, đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển du lịch văn hóa sinh thái.
Nếu sinh thái tự nhiên và văn hóa truyền thống chính là điểm nhấn để thu hút của du lịch văn hóa sinh thái, việc gìn giữ, bảo vệ giá trị sinh thái và văn hóa bản địa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững du lịch văn hóa sinh thái ở Tây Nguyên. Hãy để du khách được trải nghiệm thực tế với hình thức du lịch cộng đồng, du khách sẽ được cảm nhận nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên bằng việc cùng tham gia, hòa mình vào các lễ hội truyền thống, các điệu múa cồng chiêng..., như vậy sẽ tăng thêm sức hút với khách du lịch.

Phát triển du lịch bền vững nghĩa là vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ. Từ đó, những mô hình du lịch mới đang được phát triển như: mô hình Làng du lịch nhằm huy động cộng đồng cùng chung tay tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn và đem lại sinh kế lâu dài cho người dân bản địa; chương trình du lịch mang tính liên kết như Con đường Di sản miền Trung - Tây Nguyên; Đường Trường Sơn huyền thoại; Con đường xanh Tây Nguyên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng đại ngàn Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO