Đắk Nông: Chú trọng phát triển kinh tế rừng
(TN&MT) - Đắk Nông là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có tiềm năng về phát triển kinh tế rừng. Xác định được điều này, UBND tỉnh Đắk Nông vừa có Quyết định về việc phê duyệt Đề án Phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiềm năng lớn
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn trên 248.343 ha rừng, trong đó, có hơn 196.358 ha rừng tự nhiên. Tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng của tỉnh này cũng rất lớn, nhưng gần như chưa được khai thác. Chính vì thế, ngoài việc tập trung mọi nguồn lực bảo vệ thật tốt gần 200.000 ha rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông cũng đang tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng và đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Trọng tâm là quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư sống trong và gần rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 40%, đến năm 2030 là trên 42%, tương mức bình quân cả nước; nỗ lực bảo vệ hơn 248.000 ha rừng, giảm thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ngoài ra, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Đắk Nông cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ Nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Hình thành mô hình kinh tế
Đắk Nông đã định hình được một số mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Cụ thể như việc trồng rừng nguyên liệu, dược liệu dưới tán rừng, gần rừng tại huyện Đắk Glong, Krông Nô; nông lâm kết hợp như trồng mắc ca xen canh ở Tuy Đức. Các hình thức phát triển kinh tế rừng là cơ sở quan trọng để ngành Nông nghiệp tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện nay, kinh tế rừng là một trong những mũi nhọn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tỉnh rất chú trọng phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu theo hướng bền vững, hài hòa. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, người dân đầu tư vào một số lĩnh vực về phát triển rừng trồng nguyên liệu giấy, phát triển cây đa mục đích; đồng thời, khuyến khích nhân rộng việc canh tác nông, lâm kết hợp theo hình thức giao khoán và hợp tác đầu tư.
Đắk Nông cũng đã định hình được một số mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả như: Trồng rừng nguyên liệu, dược liệu dưới tán rừng, gần rừng tại các huyện Đắk Glong, Krông Nô; nông lâm kết hợp như trồng mắc ca xen canh ở Tuy Đức. Các hình thức phát triển kinh tế rừng là cơ sở quan trọng để ngành NN&PTNT tỉnh tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Đắk Nông tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế rừng.