Đắk Nông: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
(TN&MT) - Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp để tiến hành bảo vệ rừng. Trong đó, chính sách chi trả DVMTR được xem là "đòn bẩy" giúp các chủ rừng yên tâm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ngoài những đơn vị, công ty
lâm nghiệp được giao quản lý và bảo vệ rừng với diện tích lớn thì số hộ gia đình được tạo điều kiện để giao quản lý, bảo vệ và thu lợi từ rừng cũng khá lớn. Điển hình như: Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung có hơn 21.865 ha đất lâm nghiệp trải dài trên địa bàn các xã: Nâm NJang (Đắk Song), Quảng Sơn (Đắk Glong), Đức Xuyên, Nâm Nung (Krông Nô), trong đó có 21.180 ha đất có rừng, 684 ha không có rừng.
Ngoài cán bộ, nhân viên của Khu bảo tồn, đơn vị đã giao khoán cho gần 300 hộ gia đình tại bon Choih (xã Đức Xuyên), bon Păk Prí (xã Nâm NĐir), bon Rung (xã Nâm Nung) tham gia quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 5.965 ha. Theo một số hộ dân được giao khoán đất rừng, hằng năm họ đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường từ đơn vị giao khá đều đặn và đây được xem là một trong những khoản tiền giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn.
Cụ thể, bon Choih (xã Đức Xuyên) nhận giao khoán bảo vệ hơn 2.480 ha diện tích rừng thuộc Khu BTTN Nam Nung, với 6 tổ, 91 hộ gia đình tham gia giữ rừng từ nhiều năm nay. Trong đó, có 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhận giao khoán bảo vệ diện tích khoảng 975 ha. Trên diện tích đã nhận khoán, các tổ thay phiên nhau tổ chức tuần tra, bảo vệ định kỳ và phối hợp với các đơn vị chức năng tham gia các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, qua 2 đợt chi trả, người dân nhận khoán bảo vệ rừng ta tai bon Choih nhận được tổng cộng hơn 400 triệu đồng tiền DVMTR. Ông Y Thiên, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 2, trú tại bon Choih, người tham gia quản lý, bảo vệ rừng từ năm 2013 cho biết, từ nguồn tiền chi trả DVMTR đã hỗ trợ gia đình rất nhiều trong việc trang trải cuộc sống và có thêm kinh phí đầu tư chăm sóc cho hơn 1.000 cây cà phê của gia đình.
Ngoài việc bảo vệ rừng, các thành viên trong tổ còn là những tình nguyện viên đi tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác không phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất; từng bước nâng cao nhận thức cho bà con trong việc bảo vệ rừng nơi mình sinh sống.
Tương tự, bon Rung (xã Nâm Nung) nhận giao khoán rừng với diện tích 1.382 hạ với 48 hộ nhận tham gia. Trong đó, có 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận giao khoán hơn 1.000 ha rừng. Năm 2018, qua 2 đợt chi trả DVMTR, người dân trong bon Rung đã nhận được 223 triệu đồng.
Ông Y Toán tham gia giữ rừng từ năm 2009, hiện nay ông là trưởng nhóm bảo vệ rừng của bon tâm sự: Được hưởng chính sách chi trả DVMTR và được chi trả nhiều đợt trong năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho người n dân giữ rừng có nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và tạo động lực cho các hộ nhận khoán tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. "Cứ 3 đến 5 ngày, chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo ngay cho chủ rừng" - ông Y Toán cho biết.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Khu BTTN Nam Nung đã tiến hành chi 2 đợt tiền DVMTR cho 3 bon nhận khoán bảo vệ rừng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Khu BTTN Nam Nung kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung đánh giá: Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện, diện tích rừng giao khoán được bảo vệ hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy và các hành vi vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt so với những năm chưa triển khai chính sách này. Công tác phối hợp giữa cán bộ Khu bảo tồn và các tổ giao khoán được thực hiện thường xuyên giúp cho việc
quản lý, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.