Xã hội

Đắk Nông: Ưu tiên nguồn lực cho đồng bào dân tộc

Phạm Hoài 30/09/2024 - 22:10

Xác định việc phát triển kinh tế phải đi lên từ chính đời sống của nhân dân. Do đó, những năm qua tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực chăm lo đời sống người dân. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia giúp người dân nắm bắt, tiếp cận để thay đổi cuộc sống.

2(2).jpg
Phát huy thế mạnh đất nông nghiệp để giúp người dân ổn định kinh tế

Đưa chính sách vào thực tiễn

Sau 20 năm tái lập tỉnh (2004 -2024) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng bào 40 dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá ở Tây Nguyên vào năm 2025.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, thông qua việc triển khai các chương trình Mục tiêu Quốc gia như chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; và các chương trình, chính sách dân tộc… đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh-chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2005 còn 7,97% năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 4-5%. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tập trung thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 1.150 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gần 600 tỷ đồng; và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 1.050 tỷ đồng.

Tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án thành phần về giảm nghèo như Tiểu dự án về Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo; Dự án Đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng; Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…

Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa… được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Từ đó, đã củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị-xã hội địa phương.

1(3).jpg
Người dân phấn khởi khi được mùa cà phê

Phát huy thế mạnh hiện hữu

Theo ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000 ha, cây lâu năm khoảng 235.000 ha. Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi để Đắk Nông phát huy tiềm năng đất đai trong phát triển nông nghiệp giúp đời sống người dân ngày một ổn định, thoát nghèo.

Cụ thể, tăng trưởng khu vực nông nghiệp tỉnh Đắk Nông những năm qua luôn ở mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng 37% cơ cấu nền kinh tế. Địa phương đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực; công nhận 52 sản phẩm OCOP, 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 2.400ha; có trên 26 nghìn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận.

Đến nay, Đắk Nông đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể. Như cà phê 139.932 ha với 356.612 tấn, đứng thứ 3 toàn quốc; hồ tiêu 33.985 ha, với 69.762 tấn, đứng thứ nhất toàn quốc; sầu riêng 6.139 ha, với 22.281 tấn; bơ hơn 3.151 ha, với 15.766 tấn; mắc ca 1.946 ha, với 268 tấn.... Giá trị sản xuất trung bình trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng năm 2022. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm...

Cũng theo ông Yên, đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Toàn tỉnh hình thành, phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các vùng nông nghiệp tập trung đã có. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Đắk Nông xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản có quy mô và công suất lớn. Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, hình thành kinh tế lâm nghiệp bền vững sẽ được địa phương đẩy mạnh. Từ đó, từng bước hỗ trợ cho người dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và góp phần tăng giá trị kinh tế cho toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Ưu tiên nguồn lực cho đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO