Chi Lăng (Lạng Sơn): Gắn xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Những năm qua, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Rà soát, xây dựng lộ trình triển khai phù hợp
Những ngày đầu bắt tay xây dựng NTM, cũng như nhiều địa phương, việc thực hiện các tiêu chí không hề dễ dàng, nhất là khi cách hiểu, nhận thức của người dân về NTM còn khá mơ hồ.
Song, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vừa làm, vừa học, Chi Lăng đã từng bước tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn. Năm 2014, huyện Chi Lăng có xã đầu tiên cũng mang tên gọi Chi Lăng hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Theo ông Phùng Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, hàng năm, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện đã ban hành kế hoạch chung, kế hoạch cụ thể để thực hiện từng mục tiêu xây dựng NTM; đôn đốc các xã xây dựng kế hoạch để thực hiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, ưu tiên lựa chọn các tiêu chí sắp đạt, cần ít kinh phí để tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục các tiêu chí chưa đạt do áp dụng đánh giá theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025; cân đối, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ các xã xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép về NTM, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng NTM, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền những sáng kiến, mô hình kinh tế có hiệu quả và các gương điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp xây dựng NTM. Huy động lực lượng cn bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ huyện đến cơ sở vừa tuyên truyền vừa chung tay cùng người dân thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa…
Đa dạng giải pháp nâng cao đời sống người dân
Trong từng chỉ tiêu cụ thể, huyện Chi Lăng đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí. Trong đó phải kể đến là phong trào làm đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, người dân Chi Lăng đã đóng góp gần 17.000 ngày công, hơn 4,2 tỷ đồng để mua vật liệu, hiến 15.450m2 đất để bê tông hoá hơn 31km đường trục thôn, ngõ xóm, nội đồng.
Nhờ đó, nhiều con đường ở Chi Lăng hôm nay đã được bê tông hóa khang trang, cảnh quan đường làng ngõ xóm từng bước có sự thay đổi diện mạo theo hướng xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường.
Để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân, Chi Lăng đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM.
Huyện đã triển khai 4 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đạt hiệu quả, gồm: Dự án trồng và chăm sóc cây hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ năm 2023 tại 5 xã, dự kiến đến hết năm 2023 cấp giấy chứng nhận sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 35 ha; Dự án Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ Na theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã, quy mô 67ha; Dự án trồng Ớt theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp mã vùng trồng năm 2023 tại 4 xã, diện tích 45ha; Dự án trồng Đào tại 2 xã, diện tích 13,13ha.
Cùng với phát triển kinh tế, người dân Chi Lăng còn tích cực hưởng ứng các phong trào Toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu… Đặc biệt, Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh được duy trì triển khai hiệu quả.
Trong 9 tháng năm 2023, các xã, thị trấn đã huy động hơn 12.270 lượt người tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây cầu dân sinh, phát quang, vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hàng rào cây xanh, nạo vét kênh mương, cống rãnh.
Lắp đặt 21 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 15 hố chôn lắp rác thải rắn sinh hoạt; hỗ trợ Nhân dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tiêu chí môi trường, kê khai đăng ký đất đai lần đầu…
Những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 và những năm tiếp theo.
Năm 2023, Chi Lăng phấn đấu đưa Nhân Lý đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM trên địa bàn huyện lên 10/18 xã; xã Thượng Cường đạt NTM nâng cao. Song song mục tiêu xây dựng NTM, huyện thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là nhân dân các xã đặc
biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp trợ giúp kịp thời, đảm bảo không để hộ dân nào bị thiếu đói. Tiếp tục huy động, tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới trên địa bàn huyện còn hơn 8,5%, hộ cận nghèo 7,26%;
có 7/18 xã đạt tiêu chí giảm nghèo đa chiều.