Đất đai

Lạng Sơn: Hàng loạt vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Hoàng Nghĩa 22/11/2024 - 14:44

(TN&MT) - Theo đánh giá của tỉnh Lạng Sơn, 8 dự án trọng điểm trên địa bàn đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được tích cực. Tuy nhiên, qua triển khai, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm tỉnh Lạng Sơn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện GPMB tiếp tục đựơc thực hiện quyết liệt, sát sao và hiệu quả hơn ngay từ cấp huyện, điển hình như các Dự án: Nâng cấp đoạn Km18- Km80, QL 4B thuộc địa bàn huyện Lộc Bình và Đình Lập; Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT thuộc địa bàn TP. Lạng Sơn và các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư thuộc địa bàn các huyện Văn Lãng và Tràng Định.

Bên cạnh đó do chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nên các trường hợp bị ảnh hưởng Dự án đã đồng ý cho thực hiện đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường tạm tính, nhận tiền tạm ứng và bàn giao mặt bằng trước cho Chủ đầu tư để thực hiện dự án. Các huyện, thành phố cơ bản thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB….

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, GPMB tỉnh Lạng Sơn, quá trình triển khai thực hiện GPMB vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Một số trường hợp xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, trên đất công chưa được kiểm tra phát hiện kịp thời, không giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật, đất đai không đủ điều kiện bồi thường về nhà ở, công trình vật kiến trúc, nay Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thì người có đất thu hồi yêu cầu được tính bồi thường, hỗ trợ công trình nhà ở, vật kiến trúc xây dựng trái phép, đề nghị được bố trí tái định cư do phải di chuyển chỗ ở.

Một số trường hợp bị thu hồi một phần diện tích đất ở, bị ảnh hưởng nhà ở, công trình, vật kiến trúc, phải di chuyển chỗ ở, phần diện tích đất ở còn lại không bị thu hồi nhưng nằm trong hành lang an toàn giao thông không được phép xây dựng, hạn chế quyền sử dụng đất, các hộ đề nghị được được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.

img_7665.jpg
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiểm tra tiến độ dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Cùng với đó, có một số trường hợp không bị thu hồi đất ở, nhưng bị ảnh hưởng nhà ở, công trình, vật kiến trúc, phải di chuyển chỗ ở, không còn chỗ ở nào khác, có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi, có chung quyền sử dụng, các hộ đề nghị được hỗ trợ giao đất TĐC theo trường hợp tách hộ hoặc đề nghị được hỗ trợ khác giao đất TĐC để đảm bảo chỗ ở, ổn định cuộc sống.

Người bị thu hồi đất có tâm lý cho rằng đơn giá bồi thường của Nhà nước thấp, tư tưởng chờ Luật Đất đai mới giá bồi thường sẽ cao hơn; cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường hay thay đổi, dẫn đến các trường hợp: nếu cơ chế, chính sách sau có lợi hơn cơ chế, chính sách trước thì người bị thu hồi đất theo cơ chế, chính sách trước so sánh và có đơn thư khiếu nại, nếu không có lợi thì người bị thu hồi đất đề nghị được áp dụng theo cơ chế, chính sách trước, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện GPMB.

Cũng theo Ban Chỉ đạo, chỉ tiêu sử dụng đất Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh trong kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng đất các dự án, công trình lớn. Đặc biệt là chỉ tiêu đất giao thông, nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư các dự án; một số huyện cân đối, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho dự án chưa đảm bảo đủ quy mô.

Trong quá trình thi công một số dự án phải điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, dự toán, giảm quy mô, thay đổi hướng tuyến,... để phù hợp với thực tế dẫn đến phải thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Một số dự án chưa có khu tái định cư; hoặc có khu tái định cư nhưng thực hiện thủ tục pháp lý, GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chậm; chưa kịp thời bố trí đất nghĩa trang, nghĩa địa để di chuyển mộ phục vụ công tác GPMB các dự án; một số hộ dân có mộ nằm ngoài ranh giới thu hồi thực hiện dự án nhưng sát chỉ giới thu hồi có ý kiến được xem xét bồi thường, hỗ trợ; chưa lường hết việc bố trí đất đắp và địa điểm đổ thải các dự án…

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; yêu cầu UBND cấp huyện cần chủ động nghiên cứu các quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt các nội dung mới, quy định chuyển tiếp về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để tạo sự đồng thuận, chấp hành việc thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án; Chủ động xem xét, quyết định xét, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền; chỉ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động, đối thoại trực tiếp với người dân, tiếp tục huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phân công lực lượng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; thực hiện tuyên truyền, vận động từ sớm, từ xa, ngay từ cấp xã, có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung hình thức phù hợp từng địa bàn, từng hộ dân cá biệt, đảm bảo các hộ dân, tổ chức có liên quan đến công tác GPMB đều được tuyên truyền, vận động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Hàng loạt vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO