Đất đai

Lạng Sơn xây dựng CSDL đất đai: Hoàn thiện nhanh để "nắm chắc", "quản chặt"

Hoàng Nghĩa (thực hiện) 08/10/2024 - 08:03

(TN&MT) - Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai (CSDL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lạng Sơn tăng cường triển khai trong những năm qua, nhằm đảm bảo "nắm chắc", "quản chặt", khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo TN&MT với ông Chu Văn Thạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn về những kết quả đã đạt được cũng như tồn tại, vướng mắc trong công tác đo đạc, xây dựng, vận hành CSDL đất đai tại địa phương này.

3a.jpg
Ông Chu Văn Thạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn

Dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2026, Lạng Sơn ưu tiên triển khai 2 dự án, gồm: Dự án chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, hoàn thiện CSDL đất đai của 101 xã, thị trấn trên địa bàn 7 huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định, Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập, kinh phí dự kiến trên 72,5 tỷ đồng; Dự án đo đạc lập lại bản đồ địa chính đất lâm nghiệp, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xây dựng CSDL đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, kinh phí dự kiến khoảng 660 tỷ đồng.

PV: Xin ông cho biết, công tác xây dựng, vận hành CSDL đất đai đã được tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện như thế nào trong những năm qua?

Ông Chu Văn Thạch: Từ năm 2009, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai tỉnh. Để triển khai, hàng năm, tỉnh cũng thường xuyên ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL đất đai.

Giai đoạn 2009 - 2014, chúng tôi đã trình UBND tỉnh phê duyệt, hoàn thành 6 Thiết kế kỹ thuật - Dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL địa chính trên địa bàn 167 xã, thị trấn. Đến nay, Sở đã đưa vào vận hành CSDL địa chính và CSDL đất đai của 167/200 xã, phường, thị trấn (tính theo đơn vị hành chính sau sáp nhập).

Trong đó, có 66 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia và TP. Lạng Sơn đã hoàn thiện CSDL đất đai, gồm đầy đủ các thành phần về CSDL địa chính; giá đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Còn lại 101 xã, thị trấn trên địa bàn 7 huyện mới được xây dựng CSDL địa chính, chưa xây dựng các CSDL thành phần.

PV: Thưa ông, việc xây dựng, vận hành CSDL đất đai có đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn?

Ông Chu Văn Thạch: Có thể thấy, việc xây dựng CSDL đất đai đã giúp hiện đại hóa hệ thống quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác, phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế; phát triển "Chính phủ điện tử" trong quản lý đất đai. Bên cạnh đó định hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần minh bạch hóa thị trường bất động sản, giá đất...

PV: Trong quá trình xây dựng, vận hành CSDL đất đai, Lạng Sơn có những khó khăn, hạn chế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Thạch: Khó khăn trước tiên là, hiện nay CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh chưa được xây dựng đồng bộ, còn 33/200 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố chưa được xây dựng CSDL nên chưa có dữ liệu để vận hành.

CSDL địa chính của 101 xã, thị trấn tại 7 huyện đã được chia sẻ với hệ thống CSDL đất đai quốc gia từ tháng 9/2024, song 101 xã này cũng chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ các CSDL thành phần.

Mặt khác, 64/101 xã chưa xây dựng CSDL đầy đủ, phủ trùm toàn bộ diện tích của đơn vị hành chính xã, do CSDL địa chính được xây dựng theo các dự án đo đạc lập bản đồ địa chính trước đây nên chỉ xây dựng cho các khu vực đo đạc dự án có tỷ lệ 1/1.000 và 1/500, chưa xây dựng CSDL đất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, CSDL địa chính của 101 xã, thị trấn này đã được xây dựng, đưa vào vận hành từ năm 2016 đến nay, nhưng việc cập nhật, chỉnh lý biến động chưa kịp thời, thường xuyên, do đó dữ liệu cần phải được tiếp tục hoàn thiện, cập nhật chỉnh lý biến động bổ sung đồng thời với quá trình vận hành, khai thác, chia sẻ sử dụng.

3b.jpg
Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Lạng Sơn.

PV: Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành CSDL đất đai, ông có thể thông tin những công việc mà Lạng Sơn đã và đang triển khai?

Ông Chu Văn Thạch: Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống CSDL đất đai với các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, bảo đảm phục vụ tốt quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu của các cấp, các ngành, trong đó có duy trì kết nối, chia sẻ với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư theo quy định. Xem xét, phê duyệt kế hoạch thuê phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh đăng ký đất đai, đặc biệt là đăng ký lần đầu, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất làm cơ sở xây dựng dữ liệu thuộc tính trong CSDL đất đai.

Đồng thời tăng cường cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai; rà soát, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai nhằm bảo đảm hoàn thành việc xây dựng đồng bộ CSDL đất đai trên toàn tỉnh để đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng, chia sẻ trong thời gian sớm nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn xây dựng CSDL đất đai: Hoàn thiện nhanh để "nắm chắc", "quản chặt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO