Xã hội

Triển khai Chương trình MTQG ở Lạng Sơn: Tạo bước chuyển vùng đồng bào DTTS

Hoàng Nghĩa 22/05/2023 14:47

(TN&MT) - Là tỉnh miền núi, biên giới với 11 huyện, thành phố, 199/200 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Lạng Sơn đã chú trọng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho đồng bào.

Triển khai đồng bộ các chính sách

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG), gồm: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thực hiện các chính sách, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; chỉ đạo các cơ quan tham mưu ban hành Kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, địa bàn thực hiện từng dự án, tiểu dự án thành phần; thành lập tổ giúp việc, văn phòng điều phối với mỗi chương trình. Rà soát, lồng ghép mục tiêu thực hiện các Chương trình vào các đề án, cơ chế, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh.

screenshot_20230415_060622_facebook.jpg
Từ việc triển khai các chương trình MTQG, bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Lạng Sơn đã có nhiều khởi sắc.

Nhờ đó, năm 2022, tình hình sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,72 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 3%, tương đương 5.785 hộ, còn 9,27%.

100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia; số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 165/181 xã, chiếm 91,16%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt trên 71%. Trồng rừng mới ước đạt 9.300 ha, trồng cây phân tán 3,52 triệu cây, nâng độ che phủ rừng đạt 63,8%. Năm 2022, có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu....

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã được sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chủ động, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành.

Thực hiện các Chương trình đã tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư và chuyển biến đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Người dân phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

sep-thang-01.jpg
Đồng bào DTTS ở Lạng Sơn tích cực phủ xanh đất trống, góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,8%

Song hành cùng mục tiêu phát triển kinh tế, Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; tháng hành động vì môi trường; ngày môi trường thế giới; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn, thu gom và xử lý chất thải, chăn nuôi hợp vệ sinh gắn với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Phong trào xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu đã góp phần tích cực động viên người dân tham gia, đóng góp tiền mặt, ngày công, hiến đất để xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn tạp, trồng hàng rào xanh, đường hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Hết năm 2022, có 88/181 xã đạt tiêu chí, chiếm 48,6%.

Ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Lạng Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao.

Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm tuy đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, nhưng không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào DTTS còn hạn chế, nhận thức của người dân trong thay đổi tư duy sản xuất, tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thuần nông. Một bộ phận không nhỏ người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Kết quả đạt được trong xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các huyện, còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa nhóm xã đạt chuẩn và các xã khác. Việc duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí của một số xã còn hạn chế, nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập.

Đặc biệt, qua rà soát của các Sở, ngành, Lạng Sơn có 3/8 mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 mà Thủ tướng Chính phủ giao tại phụ lục II kèm theo Quyết định số 652/QĐ-TTg của 3 Chương trình MTQG cao so với nguồn lực được phân bổ và điều kiện thực tế của tỉnh.

Gồm 1 mục tiêu thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2021-2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%); 1 mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững (giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2021-2025 là 3%); 1 mục tiêu Chương trình xây dựng NTM (tỷ lệ xã đạt chuẩn 74,6%).

Một khó khăn nữa, tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS&MN giữa các giai đoạn có sự khác biệt. Tuy nhiên nhiều chính sách, định mức chi lại áp dụng đối tượng thực hiện giữa các giai đoạn như nhau.

Xác định năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, huy động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào các Chương trình MTQG, trong đó lấy Chương trình MTQG xây dựng NTM là trọng tâm, tiếp tục rà soát, lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn lực xã hội hóa, sự vào cuộc tích cực của Nhân dân để hoàn thành các tiêu chí.

Đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu có trọng tâm, trọng điểm, bền vững cho các xã vùng đồng bào DTTS&MN, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tránh sự chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.

dsc02936.jpg
Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS, khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo quy hoạch tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện KT-XH phục vụ nhân dân. Trọng tâm là các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, du lịch, nước sạch, điện, thông tin truyền thông, các dự án phát triển sản xuất, bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...

Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc trên toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chương trình MTQG ở Lạng Sơn: Tạo bước chuyển vùng đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO