HĐND tỉnh Lạng Sơn: Chất vấn nhiều nội dung liên quan đến đất đai, môi trường
(TN&MT) - Tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Lạng Sơn vừa diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TN&MT nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường trên địa bàn tỉnh.
Giải quyết các dự án chậm tiến độ
Đại biểu HĐND tỉnh Lộc Minh Hiệp chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Thanh Sơn: Khu Chợ bờ sông được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 về việc thu hồi đất, giao đất cho Trung tâm TN&MT thuộc Sở TN&MT quản lý, lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Có nhiều ý kiến của cử tri phản ánh dự án thực hiện đã được gần 2 năm nhưng rất chậm, nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây lãng phí đất đai, hiện nay chỉ thực hiện việc quây tôn xung quanh khu đất. Khu đất bị công trình Nhà phụ trợ Đền Kỳ Cùng lấn chiếm không gian xây dựng theo chiều cao là 6,53m hiện nay chưa được tháo dỡ; Quyết định số 1477/QĐ-UBND ngày 18/9/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất chợ Bờ Sông tại phường Vĩnh Trại và phường Đông Kinh, TP.Lạng Sơn để thực hiện dự án theo quy định thực hiện theo luật đất đai 2013.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa thực hiện đấu giá xong, đang thực hiện xây dựng giá, đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai năm 2024 thì các quy định để đấu giá đã thay đổi vì vậy cần sửa đổi Quyết định số 1477/QĐ-UBND cho phù hợp với Luật quy định.
Đại biểu Hiệp đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm trễ của dự án này? Với trách nhiệm của mình, đến thời điểm nào lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện xong việc đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất Chợ bờ sông để triển khai thực hiện dự án?
Về nội dung này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Thanh Sơn, nguyên nhân chủ quan là Sở TN&MT chưa sát sao chỉ đạo đơn vị tư vấn tính toán toàn diện, đầy đủ chặt chẽ các tiêu chí trong quá trình xây dựng giá đất cụ thể, do đó kết quả tư vấn nhiều lần không bảo đảm phê duyệt, kéo dài; Quá trình tổ chức thực hiện phát sinh việc công trình Nhà phụ trợ Đền Kỳ Cùng được xây dựng vào cuối năm 2023 có phần mái văng lấn chiếm không gian khu đất chợ Bờ Sông với diện tích lấn chiếm 6,53 m2. Theo quy định của cả Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024, thì một trong những điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất là đất đã được giải phóng mặt bằng.
Để bảo đảm điều kiện tiến hành đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất Chợ bờ sông, UBND tỉnh đã ban hành 6 văn bản yêu cầu UBND TP.Lạng Sơn khẩn trương, nghiêm túc xử lý dứt điểm việc xây dựng lấn chiếm theo đúng thẩm quyền, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm; UBND TP. Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng cho Trung tâm TN&MT thuộc Sở TN&MT xong ngày 6/12/2024.
Việc chậm trễ còn có nguyên nhân khách quan là thực tế quá trình xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, khu đất Chợ bờ sông gặp một số khó khăn: khu đất Chợ bờ sông có vị trí ở trung tâm TP. Lạng Sơn, có diện tích lớn, 3 mặt tiếp giáp với 4 đoạn đường với 8 vị trí đất khác nhau về tỷ lệ điều chỉnh (từ 6 đến 14 lần); mục đích sử dụng đất là đất thương mại, dịch vụ; trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm định giá trở về trước, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn TP. Lạng Sơn nói riêng rất trầm lắng, do đó khó khăn trong việc lựa chọn tài sản so sánh có tính tương đồng (các tài sản tư vấn lựa chọn đều chưa bảo đảm về tính chuẩn mực, pháp lý của hồ sơ liên quan).
Theo ông Sơn, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nêu trên, ngày 4/12 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp chuyên đề, chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt lại phương án đấu giá chậm nhất ngày 15/12/2024; quyết định đấu giá quyền sử dụng đất chậm nhất ngày 31/12/2024; hoàn thành các thủ tục bảo đảm trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để đấu giá quyền sử dụng đất chậm nhất ngày 31/01/2025.
Sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất Chợ bờ sông tại phường Vĩnh Trại và phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn để thực hiện dự án theo quy hoạch; phấn đấu tổ chức đấu giá trong quý I/2025.
Giải quyết vấn đề xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng pháp luật đất đai
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn chất vấn, hiện nay tình trạng làm nhà trên đất nông nghiệp nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều. Hầu như các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích đều là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong khi đó, địa phương còn gặp khó khăn khi triển khai hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo đại biểu, nếu thực hiện hỗ trợ làm nhà mới hoặc sửa chữa nhà trên diện tích đất đó thì sẽ vi phạm pháp luật về đất đai, các hộ đó đang sử dụng là không đúng mục đích. Để giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương vận động triển khai hoàn thành các mục tiêu về xóa nhà dột nát trong các hộ nghèo, cận nghèo theo kế hoạch, ngành TN&MT có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Vi Nông Trường cho biết, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, Sở đã hướng dẫn các cái huyện, thành phố rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hướng dẫn lập hồ sơ đăng kí cấp giấy chứng nhận quyền dụng đất đối với các hộ thuộc đối tượng này. Bên cạnh đó rà soát để cập nhật ngay phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí, khu vực chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát. Đồng thời đề nghị các huyện chỉ đạo cấp xã, thôn hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân liên quan lập hồ sơ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai năm 2024.
Theo ông Trường, tại cuộc họp của ban Chỉ đạo tỉnh ngày 19/11/2024, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo hệ thống chính trị ở cơ sở xuống các hộ dân có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát để lập các biên bản hiện trạng, xác định nếu đất không có tranh chấp, đất không nằm trong đất trồng lúa 2 vụ ổn định, đất không nằm trong rừng tự nhiên, rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì lập biên bản làm căn cứ để minh chứng. Sau này khi cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng là căn cứ để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các cái hộ này.
Tiếp nữa, Sở cũng đã giao cho VPĐK đất đai miễn kinh phí trích đo, trích lục cho các đối tượng này. Đề nghị Chi cục thuế các khu vực phối hợp với các Chi nhánh VPĐK đất đai đẩy nhanh quá trình thẩm định, xử lý hồ sơ xác minh nghĩa vụ tài chính để xác định những trường hợp được miễn hoặc được giảm cái lệ phí cấp giấy chứng nhận sử dụng đất hoặc tiền sử dụng đất. Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, thẩm định kỹ kế hoạch sử dụng đất năm 2025 và quy hoạch đến năm 2030 của cấp huyện, đồng thời đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT rà soát kỹ, lập hồ sơ tránh thiếu sót các đối tượng này.
Bảo tồn công viên địa chất hài hòa với khai thác tài nguyên
Đại biểu Nông Bích Thuận chất vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên về tình trạng khai thác đá và có tác động xấu đến môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến hệ sinh thái diễn ra trong Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn. Với hơn 40 giấy phép được cấp có nguy cơ sẽ làm mất đi vĩnh viễn khối địa chất hùng vĩ. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Trả lời nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên cho biết, theo tiêu chí hoạt động của CVĐC toàn cầu, việc khai thác khoáng sản tuân thủ theo quy định, nằm trong quy hoạch, kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền, khai thác theo đúng các giấy phép đã được cấp là không vi phạm tôn chỉ mục đích của CVĐC toàn cầu. Hiện nay, các mỏ đá này cơ bản ít ảnh hưởng đến 4 tuyến và 38 điểm du lịch của CVĐC. Theo ông Huyên, ở một số nơi có điểm khai thác khoáng sản còn tạo ra những đặc trưng, riêng có của CVĐC Lạng Sơn. Đơn cử như quá trình khai thác than ở mỏ than Na Dương đã phát lộ những hóa thạch sinh vật, động vật cổ đại, hiện nay những phát hiện đó đã được đăng tải cái trang nghiên cứu của các tạp chí khoa học trên thế giới và được đánh giá rất cao. Tỉnh đã phối hợp với Công ty Than Na Dương xây dựng khu vực này thành 1 điểm du lịch thuộc CVĐC.
Để phát huy thế mạnh của CVĐC toàn cầu, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu và tự hào về vùng CVĐC toàn cầu, qua đó góp phần chung tay bảo vệ các di sản, bảo vệ môi trường của CVĐC. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, trong đó, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ, tăng cường thanh kiểm tra, nếu phát hiện mỏ nào vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và CVĐC thì sẽ xem xét về sự tồn tại của các mỏ đó…
Tại Kỳ họp, các đại biểu còn chất vấn về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, làm nhà trên đất rừng, việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024... Kỳ họp đã thông qua 27 Nghị quyết, trong đó có 6 Nghị quyết về lĩnh vực đất đai, rừng, thủy lợi…