Thúc đẩy tái sử dụng, tái nạp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn

Thanh Tùng| 18/03/2022 14:46

(TN&MT) - Sáng 18/3, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Liên minh Không Rác Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tái sử dụng, tái nạp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” nhằm chia sẻ các kinh nghiệm về thúc đẩy tái sử dụng trên thế giới và xác định các giải pháp thúc đẩy tái sử dụng trong nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

1111.jpg
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại một Hội thảo gần đây. Ảnh: Thanh Tùng

Mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quá tải rác thải nhựa, hiện đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Theo báo cáo “Thực trạng nhựa” và “Hành tinh của chúng ta đang chìm trong ô nhiễm nhựa” của Liên Hiệp Quốc, mỗi phút, có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới, mỗi năm, có đến 5.000 tỷ túi nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ 9% trong số đó là được tái chế. Tại Việt Nam, lượng rác thải và bao bì nhựa được đưa đến bãi rác mỗi tuần luôn ở mức đáng báo động.

Ông Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thông tin thêm, dân số thế giới dự kiến đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và tăng thêm lên đến 9,7 tỷ vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100. Trong đó, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2050 dự kiến sẽ xảy ra ở Châu Phi. Vào khoảng năm 2027, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, trong khi dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 31,4 triệu người trong giai đoạn 2019-2050. Xu thế gia tăng dân số dẫn đến nhiều hệ lụy như quá tải, tắc nghẽn giao thông, phát sinh chất thải, chất lượng cung cấp năng lượng, ô nhiễm không khí…

Cùng với đó, tại Việt Nam, trong những năm, qua quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Năm 2020, Việt Nam đã có 862 đô thị, tăng 60 đô thị so với 2016; tổng dân số cả nước năm 2020 là 97,58 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 37%. Phát triển công nghiệp hiện chiếm hơn 30% GDP cả nước; Việt Nam hiện có 369 khu công nghiệp, 698 cụm công nghiệp, 4575 làng nghề; cơ sở sản xuất lớn nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm 2% cả nước nhưng trên 30% tổng sản lượng toàn quốc.

Một thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy, chất thải rắn đô thị phát sinh ở Việt Nam ước khoảng 28 triệu tấn và dự báo đạt 54 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 73%). Điều đáng quan ngại là hiện phần lớn chất thải của Việt Nam đang được xử lý “thô sơ” bằng chôn lấp.

Cung cấp thêm thông tin từ Indonesia, các diễn giả đến từ tổ chức Enviu (Indonesia) cho biết, Indonesia là quốc gia làm ô nhiễm chất thải nhựa lớn thứ 2 trên thế giới. Theo đó, mỗi năm, nước này tạo ra 6,8 triệu tấn chất thải nhựa, trong đó, khoảng 620.000 tấn mỗi năm rò rỉ vào đường thủy và đại dương. Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, ô nhiễm nhựa, bao gồm cả rò rỉ đại dương sẽ tăng 30% vào năm 2025 và hơn gấp đôi trong vòng một thế hệ (tức là vào năm 2040).

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng được cảnh báo như trên, việc tìm giải pháp để hướng đến tái sử dụng, tái nạp, thực hiện kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Các quốc gia trên thế giới cũng xác nhận, kinh tế tuần hoàn là một chính sách trọng tâm và đang xây dựng các mục tiêu và khuôn khổ báo cáo để định hướng chiến lược và đầu tư.

12.png
Diễn giả đến từ Indonesia. Ảnh chụp màn hình

Từ thực trạng tại Indonesia, Đối tác hành động nhựa quốc gia Indonesia (NPAP) đã phát triển 5 hành động chính, đây là kế hoạch phân tích toàn diện đầu tiên của nước này về các giải pháp nhựa với mục tiêu giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển của quốc gia này vào năm 2025. Trong đó, 1 trong 5 hành động chính là "Giảm thiểu và thay thế" dự kiến ngăn chặn việc tiêu thụ khoảng 6,5 triệu tấn nhựa mỗi năm vào năm 2040. Một trong các giải pháp cụ thể được đại diện tổ chức “Lối sống không có chất thải nhựa” của Indonesia chia sẻ là xây dựng các liên danh khuyến khích không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần trong ngành khách sạn, nhà hàng. Thúc đẩy việc chứa nước lọc bằng chai thủy tinh thay cho chai nhựa. Mô hình này đã cho thấy, tính khả thi và mang lại hiệu quả tích cực, đóng góp lớn vào việc giảm thiểu rác thải nhựa tại Indonesia.

Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, tái sử dụng hàng hóa và nguyên liệu là rất quan trọng đối với một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, nơi các sản phẩm và nguyên liệu vẫn được lưu thông, giảm áp lực lên tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Tái sử dụng, tái nạp (Reuse-refill) là một dạng của mô hình kinh doanh tuần hoàn và đang ngày càng được đón nhận phổ biến trong lĩnh vực về bao bì, đóng gói thực phẩm… Ở Việt Nam, các mô hình kinh doanh này đã xuất hiện từ trước nhưng còn manh mún, chưa mang tính hệ thống, toàn diện.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định nội dung về kinh tế tuần hoàn. Theo dự kiến, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao, có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia.

121.jpg
Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề toàn cầu

Nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Lại Văn Mạnh cho biết, hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật; phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, khuyến khích phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tái sử dụng, tái nạp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO