Lộ trình hạn chế sản phẩm túi nilon, nhựa một lần
Bạn đọc Trần Đức Quang (TP. HCM) hỏi: Tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilông, túi nhựa ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tôi thấy các biện pháp tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa hiện nay vẫn chưa thật sự hiệu quả. Vậy để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý về môi trường đã có những biện pháp, chính sách nào thật sự mạnh mẽ và hiệu quả hay chưa? Các chính sách đó cụ thể là gì?
Câu hỏi của bạn được tư vấn như sau:
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành và địa phương đã và đang tích cực rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với sản xuất túi ni lông khó phân hủy; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng đối sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường...
Theo Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2020:
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu, lồng ghép quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 73) và đưa ra lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Điều 64).
Từ ngày 01/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường (Điều 64, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Đặc biệt là quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu thông qua cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tái chế, xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa và túi nilon (Điều 54, 55).
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương nhằm thu hồi tối đa chất thải nhựa làm nguyên liệu, vật liệu và hạn chế chất thải nhựa phải chôn lấp, đốt hoặc thất thoát ra ngoài môi trường.