Từ tầm nhìn kinh tế tuần hoàn đến khơi nguồn sáng tạo
Cách đây 4 năm, một thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và các công ty, tổ chức trong nước và quốc tế. Đây là động lực thúc đẩy tìm kiếm những giải pháp, sáng kiến mới biến rác thải thành tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý và giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, Unilever đã đồng hành cùng Bộ TN&MT và các đơn vị đồng tổ chức cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”
Sau hơn 5 tháng khởi động và tìm kiếm, chương trình đã nhận được sự tham gia của hơn 1,000 cá nhân và tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá. Con số này đã cho thấy sự quan tâm và sẵn sàng hành động của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết rác thải nhựa.
Chia sẻ về cuộc thi, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam cho biết, cuộc thi không chỉ là nơi các ý tưởng độc đáo, sáng tạo được tỏa sáng, mà còn là nơi để cùng nhau khám phá tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn. Thí sinh dự thi là những người tiên phong, mở đường cho một tương lai xanh hơn. Bằng đam mê và trí tuệ, các thí sinh đã tìm ra những giải pháp sáng tạo, những quy trình sản xuất bền vững và sản phẩm thân thiện môi trường. Có rất nhiều đội thi được tôn vinh và ghi nhận tại cuộc thi lần này. Unilever vui mừng vì một thế hệ trẻ Việt Nam tài năng và yêu môi trường, quan tâm và hành động.
Tại cuộc thi có rất nhiều giải pháp hay được đưa ra như bao bì trọn gói và tái sinh hay giải pháp thu gom xử lý rác thải nhựa cho quy mô hơn. Các giải pháp đã có sẵn nhưng tính khả thi để kinh tế hóa, đưa các giải pháp vào ứng dụng thì cần rất nhiều các đơn vị đầu tư có liên quan đến ngành nghề. Unilever Việt Nam mong muốn có các nguồn lực hỗ trợ từ các Quỹ đầu tư, ngân hàng, đối tác song phương, đa phương, đặc biệt nguồn lực từ Quỹ môi trường sẽ giúp cho những ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo phát triển.
Hiện nay, giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, chuyển đổi từ mô hình sử dụng và thải bỏ sang “tái tạo và tái sinh” là một bước chuyển mình tất yếu nhưng đòi hỏi tất cả các thành phần trong nền kinh tế phải tham gia. Góp phần trong đó, Unilever Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của NPAP (Chương trình hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa), sát cánh cùng Bộ TN&MT tham gia đóng góp vào mục tiêu quốc gia. Tại Unilever, từ khâu thiết kế bao bì sản phẩm đều được tối ưu hóa giảm nhựa nguyên sinh, tăng khả năng tái chế mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng.
Đến nay, Unilever đã cắt giảm được hơn 50% nhựa nguyên sinh, 64% bao bì của Unilever có thể tái chế được. Trong đó, Công ty đã đạt trung hòa về nhựa (thu gom và tái chế nhiều hơn lượng nhựa đưa ra thị trường) và triển khai rất nhiều dự án hợp tác hỗ trợ cho các nhà tái chế như Duy Tân, Vietcycle, hỗ trợ sinh kế, đào tạo, chăm sóc vệ sinh, bảo hiểm y tế cho lực lượng lao động ve chai.
Với Bảng giải pháp triển vọng:
- Đội Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam đã giành Giải Pháp đột phá với tổng giá trị tiền thưởng là 200 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng tiền mặt, giấy chứng nhận và hỗ trợ kỹ thuật từ chương trình.
- Giải Giải pháp đổi mới thuộc về 2 đội: Giải pháp thay thế bao bì màng ghép nhôm và đội Nhựa sinh học Buyo - Giải pháp bền vững chống ô nhiễm nhựa. Hai đội nhận được tổng giá trị giải
thưởng 100 triệu.
- Giải Giải pháp nổi bật thuộc về 2 đội: Tấm nhựa Eco - Nơi rác thải nhựa tìm thấy cuộc sống mới và đội Grac - Ứng dụng công nghệ vào thu gom
rác thải nhựa. Tổng giải thưởng cho giải Giải pháp nổi bật là 50 triệu đồng.
Với Bảng ý tưởng đổi mới sáng tạo:- Giải Ý tưởng sáng tạo vượt trội thuộc về đội Hacin - Biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng tự phục hồi với tổng giá trị giải thưởng 50 triệu đồng;
- Đội Hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS nhận được giải Sáng kiến được yêu thích nhất với tổng giá trị giải thưởng 30 triệu đồng.