Ngư dân xã biển Bảo Ninh tích cực “mang rác từ biển vào bờ”
Sau 4 năm triển khai, sáng kiến “biến rác thành tiền”, với mô hình vận động ngư dân thu gom rác thải từ biển vào bờ do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chủ trì đã mang lại những kết quả tích cực. Với tổng số 375/405 tàu đánh bắt thủy sản của xã tham gia mô hình đã cho thấy sức lan tỏa rộng rãi, ý thức bảo vệ môi trường biển của ngư dân ngày một nâng cao.
Từ hiểu đến tự giác thu gom rác
Gia đình ông Lại Tiến Đông ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) có 5 thành viên. 2 con gái lớn đã lập gia đình, cậu con trai thứ 3 đang du học bên Hàn Quốc. Công việc lao động mưu sinh của gia đình được truyền lại nhiều đời nay đều gắn với con thuyền đánh bắt thủy sản xa bờ. Ông Đông cho biết, trung bình một tháng thuyền của ông lênh đênh trên biển 14 đến 15 ngày, từ 20 âm lịch của tháng này đến mùng 5, mùng 6 tháng sau mới về. Nhà gần biển và cuộc sống gắn liền với biển nên hơn ai hết ông thấu hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Bảo vệ biển cũng là bảo vệ cuộc sống của mình, gia đình mình.
Theo ông Lại Tiến Đông, các kiến thức bảo vệ môi trường biển mà ông học được đều thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền của Hội Phụ nữ xã Bảo Ninh. Từ các kiến thức được cập nhật, ông và các anh em thuyền viên trên thuyền mỗi khi ra khơi đều tự giác thu gom các chai nhựa, vật dụng mình thải ra cho vào các túi lưới mang theo trên thuyền. Đó là các vỏ lon bia, lon nước ngọt, vỏ can dầu ăn, chai nước, túi nilon… “Không khó khăn gì. Việc làm đó cũng như khi mình ăn uống ở nhà thì phải dọn dẹp sạch sẽ, đổ rác đúng nơi quy định thôi”, ông Đông vui vẻ cho biết. Nói thể để thấy, việc làm của ông Đông và các thuyền viên trên thuyền đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.
Cùng ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, gia đình ông Phan Thanh Hải cũng là hộ dân tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường biển. Ông Hải cho biết, cuộc sống gia đình mình cũng như đại đa số người dân ở xã này đều dựa vào biển, do đó hiểu biển, yêu biển trở thành một điều hiển nhiên. Khi được xem hình ảnh các loại cá, rùa biển ăn phải rác thải nhựa, chết vì vướng phải mảnh lưới hỏng trong các pano, video tuyên truyền và trong thực tiễn đánh bắt thủy sản của mình, ông Hải hiểu rằng thu gom, xử lý rác thải nhựa là rất quan trọng, rất cần thiết. Từ đó, ông tự giác thực hiện, đồng thời vận động anh em thuyền viên thu gom rác thải triệt để, tránh vứt xuống biển. Trung bình mỗi chuyến ra khơi, thuyền ông đều mang về khoảng 20kg rác thải nhựa. Lượng rác này được hội viên Hội Phụ nữ xã đến thu gom, phân loại, bán gây quỹ từ thiện.
Ông Lại Tiến Đông và ông Phan Thanh Hải là 2 trong 375 chủ tàu tại xã biển Bảo Ninh đang tham gia tích cực vào mô hình vận động ngư dân thu gom rác thải từ biển vào bờ do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh chủ trì, với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam). Được triển khai từ năm 2021, đến nay dự án đã trải qua 4 giai đoạn. Với khoảng 200 triệu đồng đã được giải ngân, WWF-Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh như: cấp phát túi lưới đựng rác thải trên tàu cho ngư dân và phụ nữ; đặt thùng rác hợp vệ sinh để thu gom rác thải từ tàu thuyền đi biển về; xây dựng bảng truyền thông để tuyên truyền về rác thải nhựa; lắp đặt ngôi nhà xanh giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; ra quân làm vệ sinh ngày chủ nhật xanh hàng tháng; theo dõi, thống kê và báo cáo kết quả thu gom rác thải từ tàu thuyền đưa vào bờ…
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh cho biết, xã Bảo Ninh có 45% người dân làm nghề đi biển, với 405 tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản trong đó có 220 tàu đánh bắt xa bờ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển, lượng rác thải nhựa rất lớn. Thống kê cho thấy, mỗi tháng tàu thuyền đi biển đều phải mang đi các loại mì tôm, nước ngọt, bánh kẹo, sữa, các loại gia vị… đa số đồ dùng đều được làm từ đồ nhựa và túi nilon. Toàn bộ rác thải nhựa sau sử dụng nếu không có biện pháp thu gom thì khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm cho sinh vật biển và hệ sinh thái biển. Dự án hỗ trợ từ WWF-Việt Nam có ý nghĩa như “mồi”, thúc đẩy Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh thực hiện mô hình.
Nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ và ngư dân về rác thải nhựa
Xã Bảo Ninh nằm phía Đông TP. Đồng Hới, có đường bờ biển dài 12km, bờ sông dài 8km. Toàn xã có dân số hơn 11.136 người, 2.754 hộ, sống tập trung tại 8 thôn. Xã có lợi thế tiếp giáp với bờ biển dài và sông Nhật Lệ nên có nhiều nhà hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch ở phía bờ sông nên kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Lượng rác tập trung nhiều ở các thôn từ Mỹ Cảnh đến Hà Thôn và xả ra bờ sông, bờ biển. Mặc dù ở địa phương việc thu gom rác được thực hiện bởi Công ty Môi trường đô thị thành phố nhưng theo ước tính lượng rác thu gom chỉ đạt khoảng 70%, phần còn lại tập trung ở các bãi tắm tự phát, các điểm ở bờ sông Nhật Lệ, trên các bãi biển.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại đó, Hội phụ nữ xã đã lựa chọn vấn đề về bảo vệ môi trường xây để dựng các hoạt động thiết thực và quyết liệt nhằm ngăn chặn và làm giảm rác thải ra môi trường biển. Các chị em trong BCH Hội đã tập trung tìm giải pháp, hướng về cơ sở tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để xây dựng các hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng thôn, xóm. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để hội viên phụ nữ và người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Mô hình vận động ngư dân thu gom rác thải từ biển vào bờ tại xã Bảo Ninh ra đời trong bối cảnh đó.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, thực hiện mô hình, Hội đã phối hợp với Hội Nông dân xã, khảo sát, chỉ đạo các chi hội, tổ phụ nữ trực tiếp đến vận động từng nhà chủ tàu thuyền ký cam kết mang rác thải nhựa và lưới hỏng về bờ cho chị em bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ tình thương; xây dựng nội quy thu gom rác thải nhựa dán trên các tàu thuyền; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho chủ tàu thuyền; thành lập nhóm đan vá lưới và tập huấn, hướng dẫn kỷ thuật đan túi lưới từ các loại lưới hỏng, lưới rách cho hội viên phụ nữ, các tàu biển để tái sử dụng, mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ nữ và các chủ tàu thuyền về ô nhiễm rác thải nhựa.
“Nhờ sự năng động của các chị em trong Hội Phụ nữ xã và sự ủng hộ của các chủ tàu, đến nay, Hội đã vận động được 375 tàu thuyền tham gia vào mô hình, gắn 375 biển hướng dẫn thu gom rác thải trên tàu, tặng 400 túi lưới cho chị em đi chợ đựng thực phẩm, tặng 750 túi lưới cho tàu đựng rác thải thu gom phế xây dựng Quỹ tình thương, lắp đặt 12 thùng rác các điểm công cộng, xây dựng 2 bảng truyền thông ở 2 điểm cầu, 3 ngôi nhà xanh đựng rác thải nhựa tái chế”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân vui vẻ cho biết.
Các hoạt động triển khai đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân và cộng đồng dân cư. Từ đó, các ngư dân đã có ý thức thu gom rác thải nhựa vào các túi lưới, khi vào bờ giao cho tổ thu gom rác thải của Chi hội Phụ nữ các thôn. Mỗi tháng, các tổ thu gom rác thải của các Chi hội phụ nữ gom khoảng 734kg rác thải, trong đó khoảng 624kg rác tái chế được các tổ thu gom bán phế liệu bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương cho chi hội Phụ nữ. Sau 4 năm triển khai, Hội xây dựng quỹ tình thương được 117 triệu đồng, đã tặng 47 xuất quà trị giá 53 triệu đồng cho các trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật, ngư dân gặp nạn trên biển… Hội cũng nhận đỡ đầu 2 trẻ mô côi trong địa bàn xã, hỗ trợ mỗi cháu 3 triệu đồng/năm và hỗ trợ dụng cụ học tập cho các cháu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì mô hình có hiệu quả hơn, xã Bảo Ninh sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, thôn tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường biển, hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa, huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động chung tay thu gom rác thải nhựa từ biển. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá như: Hội thi, xây dựng nhân rộng mô hình các đường hoa từ rác thải tái chế.